KHI NGƯỜI TA TRẺ



Hơn bốn mươi năm trước, ngay trong buổi truyền nghề đầu tiên, má Bảy Phùng Há đã nói với tôi, con đừng nghĩ là má đang dạy tụi con không thôi, khi dạy cũng là lúc má đang học lại tụi con; học cái thanh xuân, tuổi trẻ…Bốn mươi năm sau, tôi lặp lại nguyên văn lời của bà với những đồng môn của mình… 

1. Mười năm, thời gian trôi vèo, cứ tưởng cái quãng đường lao đao ấy phải dằng dặc lắm, gập ghềnh lắm. Thế nhưng, nó nhẹ nhàng đến nỗi từng gương mặt đến với tôi, vẫn tinh khôi, ân cần như thuở nào. Năm 1999, tôi biết Quang Thành, một bạn trẻ đang làm giám sát tiếp thị cho một hãng thuốc lá tại TP.HCM. Thành thừa hưởng tình yêu cải lương từ cha mẹ, học Nhạc viện dang dở nhưng sẵn tư chất nghệ sĩ, chỉ mấy năm sau ngày đầu tiên ngượng nghịu hát theo bài Lý trăng soi trong vở tuồng Hoàng hậu của hai vua, Quang Thành đã “chào sân” Tổ cải lương bằng sự xuất hiện cùng tôi và hai nghệ sĩ tài danh Ngọc Giàu và Phượng Liên trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình.

Vốn liếng từ Nhạc viện giúp Thành xử lý làn hơi, kỹ thuật ca khá tốt, cộng với chất giọng truyền cảm đã giúp Thành có chỗ đứng trong những ngày đầu định cư ở xứ người. Nhưng, sẽ không cầm lòng được khi bắt gặp được hình ảnh Quang Thành cùng những bạn trẻ sinh trưởng ở Mỹ chạy đôn đáo kiếm cho bằng được cây tre (đúng ra là mấy cành tre) cùng họa tiết bản đồ chữ S để kịp cho ra mắt của Tự tình quê hương. Quê hương trong họ hồn nhiên như câu hò, bến nước, chẳng nhọc nhằng vì mấy thứ định kiến quê mùa, ấu trĩ. Những lần về thăm nhà, ngày đầu tiên là ra ngay chợ Bến Thành đặt mua nón lá, áo dài để “qua bển” có thứ mà “dụng võ” cho những chương trình văn nghệ.

Thói quen của môt người làm giám sát tiếp thị đã hình thành trong Quang Thành một tầm quan sát nhạy bén. Ngay cả trong những thời khắc biểu diễn, Thành vẫn tỉnh táo để quan sát “đội hình”, lùi lại một bước để tạo nền cho “đồng đội”. Ai bảo người trẻ luôn hãnh tiến? Với Quang Thành “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, nhưng cảm nhận rất rõ ràng “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”…

2. Tôi không nhớ lần đầu tiên mình gặp Trí Quang là lúc nào, chỉ biết Quang vừa xuất hiện trên sân khấu là khán giả đã dành cho chàng trai này những tràng vỗ tay, bởi Quang vốn là gương mặt quen thuộc của phim truyền hình, trước đó là sàn catwalk.

Trí Quang hát cải lương bằng tình yêu thời thơ ấu và cả lòng say mê mà thuở còn sống, mẹ cậu đã dành cho cải lương. Một giọng ca chất phác, mộc mạc, đúng như ngày đầu Quang ra mắt tôi, lí nhí nói : “Ai cũng nói con gan và liều, dám hát cùng cô”, tôi cười nói ngay : “Con thích sao cứ ca vậy, không màu mè gì hết, nghe chưa!”. Thế là nguyên sơ một tình yêu dành cho cải lương, Quang hát cùng tôi Lời ru của mẹ, Quê hương vừa tình cảm, vừa chân chất và có chút..thô kệch của đất, của nắng, của gió từ miền ngoại ô Sài Gòn. Có cái tết, hai cô cháu cùng chạy show, hát xong, đêm giao thừa, hai cô cháu mồ côi cùng bươn bả chạy về nhà thắp nhang cúng mẹ.

Ngày Trí Quang lập gia đình, cậu ngỏ ý nhờ tôi làm chủ lễ. Tôi xúc động, bùi ngùi bảo Trí Quang : “Cô chúc phúc cho hai con, nhưng có điều khiến cô ưu tư, là cuộc sống hôn nhân của cô không mấy suôn sẻ, làm chủ hôn sợ không mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho hai con sau này..”.

Năm 2007, nhận lời mời của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, tôi cùng đoàn nghệ sĩ Việt nam sang nói chuyện và biểu diễn nghệ thuật tại đại học Shajah – trường đại học lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài (Tiểu vương quốc Ả Rập). Là đại diên cho văn hóa phía Nam Viêt Nam, tôi chọn ba bài Nam ai, Nam xuân và Đảo cùng trích đoạn Dương Vân Nga để trình tấu. Cả khán phòng dậy tiếng vỗ tay. Có một anh chàng nghệ sĩ miền Bắc, sau khi trình diễn trống, sáo, tiêu cùng những bài hát xẩm, trống quân đã lẳng lặng xem tôi ca, diễn. Tôi chẳng hề biết có một khán giả đã “phải lòng” với cải lương từ đó. Vừa đặt chân về lại Tân Sơn Nhất, anh chàng đến cạnh tôi bảo : “Cô bày cho Cường hát cải lương với nhé!”.

Khương Cương tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, ngành lý luận sáng tác. Là nghệ sĩ chuyên hát xẩm, tưởng chẳng bà con gì với cải lương thế mà cả năm trời nay, Khương Cường luôn trên từng cây số cùng tôi trong những đêm cải lương, từ nhà hát đến những rạp..ngoài trời xa xôi. Trong cuộc “thử nghiệm” dòng nhạc tiền chiến với âm nhạc cải lương, Cường đã giúp tôi thể hiện khá tròn trịa phần nhạc tân. Giữa những buổi tập, thỉnh thoảng nghe anh chàng lẩm nhẩm tập ca vọng cổ, tôi suýp phì cười. Cường thú nhận : “Chẳng biết đến bao giờ mình mới hát được cải lương, thua xa bố ở nhà rồi..”. Hóa ra, bố của Cường, một tay tài tử nhạc xẩm nhưng lại rành rẽ bài bản cải lương, có thể đờn ca thoải mái.

Nghệ thuât là sự thanh xuân. Khi bạn không còn nhu cầu làm mới có nghĩa là bạn đánh mất khát vọng được sáng tạo. Những người trẻ, lại là dân…ngoại đạo tuy..vụng nghề nhưng họ truyền cho bạn một tình yêu, một sự dấn thân với nghề rất hồn nhiên, ngưỡng mộ tài năng, kinh nghiệm của người đi trước nhưng cũng chính họ là người mở toang cánh cửa đầy nắng và gió, xáo tung mọi trật tự, quy củ, khuôn thước, nhàm chán.

Tôi còn nhớ, môt ca sĩ Ngọc Sơn trong vai Trần Bình Trọng, uy dũng, dõng dạc đón nhận cái chết trước kẻ thù thì bỗng dưng…bàn chân phải của Ngọc Sơn – Trần Bình Trọng lại vô tư nhịp nhịp theo tiếng đàn. Khán giả lẫn đồng nghiệp, từ hai cánh gà cười rần nhưng chẳng mấy ai trách.

Một Hoài Linh hài hước, thông minh như thế mà chỉ vì quá yêu cải lương đã nhận luôn vai Hội đồng Thăng của NSND Diệp Lang. Linh quái kiệt trong nắm bắt tâm lý sân khấu, khiến khán giả cười ôm bụng đó rồi lại dẫn người xem rơi xuống cái khoảng lặng không lời. Quyền Linh chân chất dám “vượt lên chính mình” ca luôn môt câu vọng cổ cùng tôi trong chương trình Cội nguồn Việt. Ngay trên sàn diễn, anh chàng nói nhỏ : “Chắc em chết quá chị Ba ơi !”.

Có một số đài truyền hình, tạp chí “đặt hàng” tôi viết về “bí quyết” của việc chống lão hóa, tôi cứ khất mãi, bởi tôi nào có bí quyết gì ngoài việc hãy hồn nhiên như “chưa hề biết sợ”, hãy sống, yêu và cống hiến từng ngày, từng giờ bởi chỉ như thế, bạn mới không còn thời gian cho sự âu lo, giận hờn, toan tính, thù hằn..

NS Bạch Tuyết - Báo Phụ Nữ 

Không có nhận xét nào: