Chiều ngày 17/1/2011, tôi ngồi chuốt
lại những trích đoạn cho các em trong lớp trung cấp cải lương, đến cảnh Nguyệt
Nga gặp Lục Ông trong trích đoạn Kiều Nguyệt Nga, chỉ mới mấy tiếng đờn rao, cô
bé đảm nhận vai Kim Liên nói lối “Bởi vậy nên lòng của con nè, lúc nào con cũng
muốn thấy lão ông vui, dù chỉ vui trong khoảnh khắc…”, tôi đã không thể ngăn
được nước mắt, quay quắt thương tiếc người bạn diễn tài hoa Kim Ngọc vừa bất
chợt nằm xuống. Vọng lại trong tôi là chất giọng thánh thót, ngọt ngào của nàng
Kim Liên thuở nào: “…Lục công tử không may lâm vòng bất trắc đến mệnh chung để
cha già quạnh quẽ cô đơn, mòn mỏi với thời gian lấp thảm chôn… sầu”…
Đây cũng là câu vọng cổ mà Kim Ngọc
vừa ca theo lời yêu cầu của khán giả trong suất diễn cuối cùng của đời ca kỹ.
Là thế, có bôn ba trăm nẻo với làng hài thì rốt cùng, Kim Ngọc vẫn là đứa con
cưng của cải lương. Khán giả có cười ngả nghiêng với Kim Ngọc đó thì ngay lập
tức, họ vẫn muốn được nghe lại một lần Kim Ngọc cất giọng ca. Hình như, cả
Ngọc Giàu, Hồng Nga và Kim Ngọc, khóc – cười chẳng qua là vui trò thế sự, cái
lưu lại chốn nhân gian mãi mãi là giọng ca bất tuyệt, không lẫn vào ai; không
ai thay thế…
Còn nhớ, một buổi sau giờ tập tuồng
ở sân khấu đoàn Bạch Tuyết – Hùng Cường, nghệ sĩ Hùng Cường ngoắc Kim Ngọc lại
nói: “Giọng ca thần sầu dzầy mà không đóng vai đào chánh thì oan uổng lắm. Hay
là anh thử đưa mày vào vai hài nghen…”. Ngọc ngắc ngứ bảo: “Có được đó không
cha, khán giả cười hổng nổi là ông chết với tui à…”. Một cái nháy mắt, đó là sự
đảm bảo bằng vàng của Hùng Cường. Ngay sau đó, Kim Ngọc nhận vai tiểu đồng
trong Trăng thề vườn Thúy.
Mở màn. Kim Trọng – Hùng Cường cao
lớn, nho nhã cùng “thằng nhỏ” tiểu đồng – Kim Ngọc nhỏ nhắn, nhấp nhổm, thập
thò bên sân vườn này để trông ngóng Thúy Kiều – Bạch Tuyết bên kia – chỉ bấy
nhiêu động tác mà khán giả cười rần rần. Cười theo từng bước chân, mỗi cái liếc
mắt và lịm theo giọng ca ngọt, thanh, trong trẻo. Một bước ngoặt lớn trong đời
– nghề của Kim Ngọc từ vai diễn nhỏ ấy. Không ít người sau này nhầm tưởng Kim
Ngọc chuyển sang hài vì sự… đột biến về vóc dáng, kỳ thực, với Kim Ngọc, hài là
một tố chất, hơn thế, là một phẩm chất nghệ thuật trong chị.
Một sự phân vai của nghề và… nghiệp,
Kim Ngọc thường có mặt cạnh tôi và cùng tôi trên sàn diễn. Khi tôi vào vai Thái
hậu Dương Vân Nga, Ngọc đảm nhận vai đào võ hiệu úy Kỳ Hoa. Khi tôi đóng vai
Kiều Nguyệt Nga, Kim Ngọc nhận vai nàng Kim Liên – một Kim Liên không ai có thể
thay thế về sau. Nơi thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa, không phân biệt chánh –
phụ, chỉ có tài năng và lòng yêu nghề được thỏa sức. Và Kim Ngọc đã vẽ nên một
Kim Liên vừa khiêm cung, mực thước; vừa hồn nhiên, trong sáng. Người con gái
nhỏ bé, trong trắng mà cũng đầy khí tiết ấy đã đảm nhận cuộc “Đẩy xe cho chị
qua miền Hà Khê…”, bao thế hệ khán giả đã nâng niu một Kiều Nguyệt Nga thì cũng
bấy nhiêu sự chăm chút, yêu thương dành cho Kim Liên của nghệ sĩ Kim Ngọc, lão
mẫu của nghệ sĩ Ánh Hoa…
Năm 1998, tôi trải qua biến cố gia đình. Kim Ngọc giữa bao bộn bề, chạy xe máy ghé nhà tôi, chỉ nói đúng một câu: “Chị Ba, em ít lời lắm, nhưng bất cứ khi nào chị Ba cần gì, nói em”. Tôi ngổn ngang trăm mối nhưng lòng chợt bình yên: “Cưng nói một câu vậy là đủ cho chị Ba lắm rồi Ngọc à!…”.
Một buổi tập tuồng vở Kiều Nguyệt
Nga, “lão tướng” Lưu Chi Lăng bảo: “Mai mốt tao có chết, cấm đứa nào khóc, miễn
tụi bây về chọc cười cho tao là tao vui rồi”. Ngày ông ra đi, tụi tôi kéo về,
dưới ánh đèn mộc mạc đêm lễ tang, Kim Ngọc nhớ như in lời chú Bảy Chi Lăng,
muốn khóc mà không dám, cứ phải bông đùa mấy câu. Chẳng biết có phải vì cơn gió
về khuya hay mấy câu nói bông lơn, hàng đèn cầy trên nắp quan tài run rẩy, ngửa
nghiêng lay lắt miết mà không đổ xuống. Có ai đó bảo, hông lẽ chú Bảy về….
Còn đêm nay, ai thức bên chị – cùng
chị – nghệ sĩ tài hoa Kim Ngọc – trọn một đời đem giọng ca và tiếng cười cho
nhân gian khóc cười mà thỏa “một vài trống canh…”?
NSƯT Bạch Tuyết - Báo Phụ nữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét