TÔI ĐI DẠY HỌC



Có công văn mời dạy kỹ thuật biểu diễn cho các bạn sinh viên cải lương. Suy nghĩ cái đã. Nếu là giám khảo thì hẳn là từ chối luôn rồi. Ở thời buổi này, hiếm có công việc nào ấm ớ bằng. Nào ban ban bệ bệ, tên tuổi lẫy lừng, thí sinh ca hát rần rần, kết cuộc trông chờ vào tổng số tin nhắn bầu chọn. Giám khảo chẳng khác gì…cái đĩa hát chưa lên dây thiều, chẳng thế, bạn tôi, tác giả Lê Duy Hạnh, khi được HTV vời làm chánh chủ khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đã dứt khoác không có vụ lấy tin nhắn làm quyết định. Ca thiệt, hát thiệt sao không khen, không góp ý bằng lời thiệt mà cứ nhoay nhoáy ngón tay?




Má Bảy, bước qua tuổi ba mươi là đảm nhận thêm vai kép; qua tuổi năm mươi là nhận lãnh vai trò giảng dạy, truyền nghề. Trò bắt chước thầy, chẳng trật đi đâu. Nhận lời. Ngày đầu, được diện kiến một “ giảng sư “. Có lẽ cái mặt mình không ra vẻ trường lớp lắm hay sao mà được giáo huấn khá kỹ. Nào là phải nghiêm khắc với học trò, phải nghiêm cấm nghe nói điện thoại; phải thế này thế kia… Không khí “ mô phạm “ dữ à nghen! Chưa nữa, yêu cầu giảng viên phải trình giáo trình cho trường.



Bước vô lớp, suýt nữa …té xỉu ! Toàn mấy gương mặt thiệt thòi, chịu thương chịu khó, trẻ khô… Mê mẩn lắm đây nên mới khăn gói lên Sài Gòn, mặt mày xanh mướt, da dẻ thiếu chất. Chỉ có đôi mắt là rực sáng khát khao được ca hát. Tôi lướt nhanh qua bài khảo sát chất giọng – cũng như má Bảy ngày xưa thôi. Ca nghe chơi, thấy không đủ hơi thiếu giọng, thôi con kiếm nghề khác làm rồi thỉnh thoảng ghé qua ca cho đỡ ghiền chứ hơi hám như dzậy theo nghề cực lắm ! Từ đỉnh cao của nghề, bà nhìn thấu suốt cái cơ cực của cuộc tìm danh vọng… Chệch khỏi sự tỉnh táo một phần ngàn milimét là giấc mơ ảo vọng, có khi đốt cả cuộc đời vẫn không tìm ra một lối đi có thực…



Cô trò làm quen nhau. Mấy chục con mắt tròn xoe nhìn tôi, chắc là ngưỡng mộ cái tên Cải lương chi bảo đã nghe hồi còn ẵm ngửa dưới quê. Tôi có cảm giác đang ở một buổi vỡ hoang rôn tuồng ( Giai đoạn của quy trình tập luyện vở mới ) mà ở đó, chúng tôi tập đọc cho suông lời văn, làm quen lời ca, tìm nhau về tính cách, về sở thích, về cách nghĩ dành cho cải lương… Tôi mang theo những người thầy của tôi vào với các bạn, từ NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Kim Cúc, Tám Vân, Tiêu Xái … đến các soạn giả Trần Hữu Trang, Hà Triều – Hoa Phượng, Mộc Linh, Huy Sắc, Lê Duy Hạnh…, những ‘ tổ sư “ của âm nhạc tài từ – cải lương. Tôi trình làng cho các bạn những vị “ tổ sống “. Lạ, thường trước khi hát, ai cũng ráng tranh thủ thắp nhang bàn thờ tổ, lầm rầm khấn vái tổ đãi. Ấy vậy mà hát xong, khán giả vổ tay rần rần, bầu show tưởng thưởng cátsê, chả mấy ai chậm gót trả lễ với tổ. Tổ nghề ở ngay trong tim mình ; học nghề nghiêm túc; ca diễn nghiêm trang; lòng biết ơn không u u ẩn ẩn, nó phát lộ trong mỗi cử chỉ hành vi, nên lại càng không dễ quên. Hát cương, diễn ẩu, chạy show hộc tốc…lộc nghề tự mình ngắt bỏ, tổ nào mà lấy lại hay không cho?!



Theo yêu cầu của tôi, các sinh viên tự trình bày về bản thân và những suy nghĩ về cải lương, về cuộc sống. Những mẫu giấy thu về, tôi dành hẳn một đêm để đọc và suy ngẫm. Có rất nhiều lỗi chính tả, câu cú; không hiếm những câu, chữ viết rồi xó, rồi bỏ. Những nét chữ đầy mặc cảm đã được viết ra. Điều kỳ diệu là đằng sau những phận đời ngổn ngang, dập dềnh ấy cứ thẳng tấp một con đường ca hát. Những chất giọng khỏe khoắn thoát ra từ những lồng ngực đang căng tràn khát vọng, mặc cho đói nghèo, cơ cực lẫn sự ít chữ. Đỉnh cao của cái nghề mang lại lắm tiền nhiều danh sao lại có thể khởi đầu bằng sự nhọc nhằn, cơ hàn đến vậy? Và khi bóng dáng của danh vọng chưa hiện diện thì sự trong trẻo, tinh khôi mới có đất để nảy mầm và nuôi dưỡng.



Đã không có chiếc điện thoại nào bất cẩn, cố ý rút ra giữa giờ học. Tôi cũng chẳng phải tuân thủ nộp giáo trình cho vị “ giảng sư “ kia. Giáo án mà tôi mang theo là năm mươi năm theo nghề. Mỗi vai diễn, vở diễn được ra đời từ những khối óc, con tim và cả mấy chục buổi lăn lộn trên sàn tập.



Sáu lăm tuổi, tôi lại bước vào lớp học vỡ lòng về cải lương, về tình yêu và sự biết ơn với nghề tổ… Và thỉnh thoảng những giọt nước mắt lặng lẽ rớt trở lại vào tim khi đâu đây các học trò ngoan của tôi vào lớp khàn tiếng ca không nổi vì đêm rồi đã phải thức đến bốn, năm giờ sáng để hoàn tất một công việc đã nhận để kiếm sống hằng ngày …



NSUT BẠCH TUYẾT – Báo Pháp Luật

Không có nhận xét nào: