VĨNH BIỆT SOẠN GIẢ NHỊ KIỀU – ĐÃ TRỌN BẢN TÌNH CA



 
Hơn một năm trước, NS tài hoa Tám Vân ra đi. Nhìn má Tám – tức soạn giả Nhị Kiều lặng lẽ, trơ trọi, không ai khỏi xót xa khi dự cảm về những tháng ngày “mồ côi” sắp tới của người ở lại. Ngọn đèn trước gió vốn đã hiu hắt, nay càng thêm lay lắt bởi “…Đã thề sống chết bên nhau. Sao anh lại vội vàng đi trước? Từ đây trên nẻo đường xuôi ngược. Không có anh, tôi như cây lẻ bạn giữa trời đông…” (Nhị Kiều khóc Tám Vân – 2009). 


5g30 sáng ngày 1/11, bà trút hơi thở cuối cùng, cũng trên chiếc giường của ông, trong ngôi nhà tràn ngập kỷ niệm của ông. Cây đã không còn lẻ bạn, Nhị Kiều đã về cùng với Tám Vân, phải vậy thôi, cho trọn vẹn, nhưng sao vẫn cứ đắng lòng, hụt hẫng…

Xuất thân cành vàng lá ngọc, vì say cải lương mà yêu cái tài của nghệ sĩ; vì cảm những bài ca mà thành người viết tuồng. Yêu ông Tám (Vân), bà thương luôn cái ngẫu tật của người nghệ sĩ. Ông vướng vào thói đam mê tầm thường, bà không nỡ nhìn ông lụi tàn. Bán hết nhà cửa, rời cuộc sống đô hội, bà đưa ông về tận vùng ven Bình Dương chăm sóc. Nhớ lần đầu tiên tôi ghé thăm ông bà, xuống xe phải xắn quần lội bộ một đoạn dài; càng đi, đường càng nhỏ dần, không chú ý là ngã xuống ruộng như chơi. Vô tới được hiên nhà, bà cười tủm tỉm, phải thâm sơn cùng cốc vậy mới ràng được ba mày, chứ đường sá dễ quá, bạn bè xuống kiếm, ổng lại vướng vô mấy cái “vụ” kia, má ớn lắm…

Cả trăm vở tuồng với ngàn thân phận, triệu tình huống nhưng nghịch cảnh đời bà, ai là người ghi lại? Cải lương se duyên đời bà, cải lương cũng nặng gánh truân chuyên trong mỗi con chữ, trang giấy. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn miệt mài viết, mòn mỏi ngóng những khoản nhuận bút ít ỏi. Từ ngày ông đi, bút lực bà như cạn dần, như thể nguồn mạch cảm xúc đã theo ông về đất…

Trên dưới 100 vở tuồng lịch sử, dã sử, tâm lý xã hội… do bà viết, soạn và hợp soạn cùng nhiều soạn giả tên tuổi đã minh chứng một sức sáng tạo dồi dào ở người phụ nữ mảnh mai này. Văn phong của bà mềm mại, uyển chuyển, thanh tao như chính con người bà. Và có lẽ, ảnh hưởng từ người thầy, người bạn đời – NS Tám Vân, một nghệ sĩ biểu diễn có thể diễn thuyết cải lương bằng tiếng Pháp; một pho tri thức cải lương cực kỳ quý hiếm nơi ông mà không phải ai cũng đủ thời gian để nhận ra – nên linh hồn của những vở tuồng Nhị Kiều viết thấm đẫm chất âm nhạc. Bài ca, bài bản trong các vở tuồng của bà giàu có, lung linh và tinh tế vô cùng. Kể cũng lạ, đã là ca kịch thì hẳn nhiên yếu tố ca phải ở hàng đầu, nhưng càng về sau này, không ít vở, tác giả cứ… quên bài ca; diễn viên thì… né bài bản; cải lương vì thế mà nhạt nhòa dần. Tám Vân đã truyền trao cho Nhị Kiều những tinh túy của cải lương và bà ân cần, tận tụy nâng niu nó qua những vở tuồng đậm đặc chất cải lương. Chợt nghĩ, đã có bao nhiêu cái tên sáng lên từ những vở tuồng của Nhị Kiều, nhưng trong những nghệ danh rực sáng trước hàng triệu khán giả, có mấy ai còn ghi nhớ và kịp trả ơn người soạn vở, kẻ nhắc tuồng?…

Sáng qua, vừa hay tin bà nằm xuống, Ban điều hành Nghĩa trang công viên Bình Dương đã tìm đến nhà, xin được đảm đương phần hậu sự và sẽ đưa bà về yên nghỉ tại nghĩa trang này. Không chỉ thế, được sự đồng ý của con cháu, Ban điều hành nghĩa trang sẽ quy tập mộ phần của NS Tám Vân (hiện ông đang yên nghỉ ở Nghĩa trang chùa Nghệ Sĩ – Q.Gò Vấp, TP.HCM) về cùng, để ông bà mãi mãi gần nhau như lời bà tha thiết một năm trước “Tám Vân ơi, hãy theo em về nơi tổ ấm… sẽ cùng nhau viết trọn bản tình ca”.

NSƯT Bạch Tuyết - Báo Phụ Nữ 

Không có nhận xét nào: