TƯỞNG NHỚ NGHỆ SĨ ÚT BẠCH LAN: KHUẤT XA RỒI… MỘT NIỀM VUI NHỎ



Giọng ca của một thời tuổi trẻ tươi đẹp đã vĩnh viễn ra đi. Một tên tuổi lớn của cải lương tuồng cổ vừa yên nghỉ. Ngoài kia, một nghệ sĩ, một diễn viên hài đã tắt nụ cười. Trong này, một danh ca, một sầu nữ thôi không còn phiền muộn…

 
Tôi ngơ ngác giữa những ngày mưa tháng gió. Ở cái tuổi đã an nhiên dọn cho mình một chuyến lưu diễn xa, vậy mà sáng ra, ngước mắt nhìn trời, vẫn quay quắt, vẫn khó tin, vẫn không dễ chấp nhận những cuộc giã từ, những trò chơi sinh tử.

Giữa bốn bề thanh vắng, trong tận cùng cô lặng, tôi như càng nghe rõ nhịp gõ song loan, cất tiếng ca theo dòng âm thanh nhẹ nhàng, lãng du, cô quạnh ấy… Lão bá ơi, tóc cháu rối quên cài, nước mắt ướt đọng mi không lau kịp, cháu đến đây không sợ bóng đêm dài như mồ sâu vạn kiếp mà chỉ sợ dấu vết người thương mất biệt dưới sương… rừng (xuống hò)… Không biết kiếp trước tiểu muội có để khổ cho ai mà kiếp này trời bắt tội, đến chết vẫn trắng tay niềm vui nhỏ khuất xa… rồi (xuống hò)… Thuở bé cha mẹ không thương phó mặc cho trời. Rồi trời cũng không thương bắt làm tình làm tội như cánh bèo trôi nỗi lạc trên sông… (xang, song loan).

Không đàn, không trống, chẳng gõ chẳng dây, chỉ có âm thanh của ký ức, của sự mê đắm ngót một đời người. Cứ thế, tôi nương theo từng dấu sắc (cống), dấu huyền (hò, xề, xàng), và cả cái không dấu (xang) tuyệt trần, nó trải rộng miên man, nó dư ba trong suốt, nó như sợi tơ vàng se kết từ tâm hồn nghệ sĩ đến muôn vạn người nghe. Cái không dấu (xang) kỳ diệu ấy, vốn dĩ là bẩm sinh của một tài năng và sẽ vĩnh viễn thuộc về bà, nghệ sĩ, sầu nữ Út Bạch Lan.

Với tôi, tròn 50 năm theo nghề, chuẩn mực của âm (ca) cải lương, chính là hai chất giọng tuyệt vời NSND Út Trà Ôn và NSƯT Út Bạch Lan. Tôi ảnh hưởng nhiều trong xử lý làn hơi, nhịp phách lẫn bỏ dấu, câu chữ từ hai bậc danh ca này. Lạ là, trong bấy nhiêu ngũ cung, hò, xự, xang, xê, cống... tài hoa và sự sáng tạo không thể biện giải một cách (có vẻ) lý luận, từ chương ấy lại được biến hóa khôn lường.

Và trong cái gia sản ngũ cung ấy, bà đã sở hữu lộng lẫy ba khuôn dấu: hò - cống - xang, chừng đó thôi mà mỗi câu vô vọng cổ (hò) dứt câu hai (xang) hay trở về (xề) câu năm, đổ ra câu sáu về (liu), đặc biệt là những chỗ bỏ nhỏ, trong hơi, trong chữ, trong câu đều tuyệt diệu. Từ thoại (kịch) đến nói lối gối (nhạc) vào bài ca cho tới khi cất giọng, là những ranh giới mỏng, nhỏ, nhẹ đã được bà xử lý, biến báo hết sức tinh tế.

Cứ như trong từng câu từng chữ - qua bà - đã chứa sẵn giai điệu, nói trong dây, trong nhạc, tự tình, khoáng đạt, bao dung… Tôi nghe, tôi ngấm và khơi trong cho mình cái ý trong nhịp, cái nghĩa trong chữ, cái tình trong hơi, cái ơn ấy, với Út (cách gọi thân mật NSƯT Út Bạch Lan) và cậu Mười (NSND Út Trà Ôn), đầy và sâu biết chừng nào, cho tôi.

Giọng ca ấy phong thủy hữu tình, đa sự đa đoan. Không rào rạt, tuôn trào mạnh mẽ như đại khê thủy, nó nhẹ bâng, sáng trong như dòng suối nhỏ, mà từ đó khởi thủy cho mọi cảm xúc, say mê, đắm đuối trong lòng nghệ sĩ lẫn khán giả bao năm qua.

Có một lẽ, tôi cũng đã nói đôi lần, ấy là nhiều khi chính những giọng ca trác tuyệt ấy, lôi cuốn bạn mê đắm tới mức, bạn trôi theo âm thanh của họ mà quên mất cái tài diễn trong từng câu từng dấu ấy. Hai trong nhiều nữ nghệ sĩ là khuôn vàng thước ngọc của sân khấu cải lương - ở vị trí đào thương - đó chính là NSƯT Út Bạch Lan và cố NSƯT Thanh Nga.

Tôi nói lại điều này là theo lời dạy của NSND Phùng Há. Một cái nhíu mày, một cái chạm mắt đổ xuống, hay ngước ánh nhìn rười rượi, họ đã khiến khán giả đầm đìa nước mắt. Họ không nhăn nhó, sướt mướt, rên gào mà cái buồn, cái thương cứ vương theo từng dấu vết.

Vì lẽ đó, đôi khi tôi tự hỏi, giá như những vai diễn hay giọng ca của bà, chịu giằng xé, chịu mà… la lên một tiếng, thì hẳn đời bà đã không nuốt lặn vào trong nhiều phen đận đến thế. Nhưng nghĩ, chắc gì tiếng kêu ấy chứa nổi những đa đoan thế sự mà tâm hồn mong manh, trái tim đôn hậu của một kiếp người - nghệ sĩ đã trót đeo mang.

Nhiều người, lúc sinh thời của bà và nhất là trong những ngày qua, khi bà vừa nằm xuống, lại nói nhiều về giọng ca của sầu nữ chất chứa cả phận đời của bà. Có lẽ thế. Cái dự cảm “dọn đường” ấy, mấy ai biết được, mấy ai mong, bởi trước khi cảm nhận chút tài năng phiêu phưỡng, nó chà xát, thử thách người trong cuộc tơi bời, đến tận cùng.

Tôi thì lại không mấy mặn mà về cái “dự cảm” ấy cho lắm, bởi rốt cùng, lẽ nào, cái chất giọng sầu nữ ấy lại làm tình làm tội đời Út; còn những biến đổi dòng đời, những uẩn khúc thế sự, kể cả vì trái tim bao dung nên đôi lần trái tim khốn đốn, lại là biệt lệ, lại là vô can?

Bởi, tôi tin, mang tiếng ca buồn đến cho mọi người, để được họ yêu thương, quý trọng, với người nghệ sĩ - như bà - là niềm vui, là nguồn hạnh phúc bất tận, nó ở trong bà, cạnh bà và mãi mãi về sau. Bởi tôi tin, trong nỗi buồn thanh cao ấy, trong giai điệu ngũ cung đầy tự tình dân tộc ấy, con người sẽ gạn lọc chính mình, thắp sáng ngọn lửa yêu thương, ấm áp, bao dung, hướng thiện… Và rồi, như câu ca năm nào, cuộc đời bà chứa đựng một “niềm vui nhỏ” mà không hề “trắng tay”, không thiếu vắng những tình thương vạn kiếp…

NSND Bạch Tuyết
Theo phunuonline.com.vn

Không có nhận xét nào: