VĨNH BIỆT NGHỆ SĨ NHÂN DÂN THANH TÒNG: MỘT VÌ SAO ĐÃ LẶN…



Nghệ sĩ tồn tại bằng tác phẩm, hẳn nhiên là vậy, họ hiện hữu muôn đời bằng sự sáng tạo trên mỗi thước phim, vai diễn, ca khúc… Nhưng một ngày, mất đi một sự hiện diện, hình kia đã thôi không còn đổ bóng, dẫu trăm ngàn tác phẩm còn lưu danh, vẫn cứ thấy mất mát, hụt hẫng, đau đớn đến vô cùng.


NSND Thanh Tòng đã khiến bao trái tim người thân, đồng nghiệp và công chúng nghẹn ngào, thảng thốt như thế. Hình như Chuông vàng Vọng cổ đang vào mùa, xa hơn, giải Trần Hữu Trang, giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền… lẽ nào, đã vắng bóng ông thật sự, ở cả vai trò giám khảo, cố vấn nghệ thuật hay phụ diễn cho lớp nghệ sĩ cháu con.


Có một ngày, đàn chùng dây, tiếng song loan đành tắt, cải lương vắng ngắt… Năm 1984, trong chuyến lưu diễn châu Âu – chuyến lưu diễn văn hóa đầu tiên của nghệ sĩ hai miền Nam Bắc thời hòa bình – trên sàn tập tại Việt Nam, nghệ sĩ Thanh Tòng vào vai Mẫn Đạt – chồng của Kim Anh (NSND Lệ Thủy) trong vở Đời cô Lựu.

Anh vào vai dễ dàng, lột tả chất học đòi và bị nô dịch văn hóa. Anh tạo nền cho NSND Ngọc Giàu tung hứng và phô bày chất hài quái kiệt. Còn anh, sắc, mỏng và tỉnh rụi, cảm giác như anh vừa diễn vừa quan sát Mẫn Đạt. Khán giả cứ thế thuộc, thở theo từng câu thoại của Mẫn Đạt và cô Bảy Cán Vá.

Xuất ngoại, 2-84 gặp sự biến. Tình thế không thể xoay chuyển, lập tức, NS Thanh Tòng đôn vai của NS Thành Được. Anh trách nhiệm, nồng hậu, chỉn chu. Có lẽ vậy mà mọi áp lực anh đều nén hết vào trong; gặp anh ở đâu, lúc nào, giữa những ngày Paris lạnh giá ấy, trên tay đều là cuốn tuồng. Anh đọc, anh nghiên cứu và… trầm lặng.

Ngày công diễn, anh khiến tất cả mọi người đều giật mình thán phục. Nếu một Võ Minh Thành của Thành Được phong nhã, phong trần thì Võ Minh Thành của Thanh Tòng lại mực thước, thâm trầm. Ở mỗi đoạn đời của nhân vật cô Lựu, tôi đều được truyền cái cảm xúc ấm áp, chở che, bao dung, vững chãi của người bạn diễn Thanh Tòng. Màn gặp con, cảnh cuối, mọi tinh tế của diễn xuất nằm trọn trong việc xử lý của hai chúng tôi với chiếc khăn rằn.

Và NS Thanh Tòng đã trau chuốt đường dây, đã nuôi dưỡng trọn vẹn cảm xúc cho tôi đi hết bài vọng cổ rứt ruột ấy. Một điểm cần nói, người nghệ sĩ bậc thầy của cải lương tuồng cổ khi vào một vai kinh điển của cải lương tâm lý xã hội, đối với NSND Thanh Tòng, đó đơn giản chỉ là một sự khám phá tiếp nối. Một ngộ nhận đáng tiếc là không ít người cho rằng, diễn hay là diễn… tự nhiên.

Nhưng kỳ thực, nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật của ca diễn y như thực nhưng không phải là thật, giữa hai bờ khoảng cách ấy, nó mang lại cảm xúc ảo – thực kỳ diệu, khiến công chúng một khi bước vào rạp hát là như một “kẻ bị bỏ thuốc mê”.

NSND Thanh Tòng đã xử lý các trình thức tuồng cổ vào trong nghệ thuật diễn xuất của tuồng tâm lý hiện đại hết sức tinh tế, tài hoa. Cái gốc vẫn giữ chặt mà ngọn lẫn cành cứ được tắm tưới, vươn cao. Tài năng này, ngay cả khi vào một vai… đáng ghét là Định trong Nửa đời hương phấn, anh cũng có những xử lý về trình thức – động tác rất bài bản. Mọi di chuyển, đứng ngồi, ngả đầu, né vai giữa anh và tôi đều có tính toán, sắp đặt trong từng khắc từng giây; nếu có ngẫu hứng thì cũng là sự đồng điệu để không làm lỡ đà của nhau.

Tôi biết ơn Thanh Tòng vì sự ân cần ấy. Một dấu ấn, một kỷ niệm làm nghề đẹp của tôi với NSND Thanh Tòng trong lần gần đây nhất là trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga. Và cũng trong những lần gần đây nhất ấy, tôi biết anh bị khớp nặng, đứng ngồi đều khó khăn, thế mà vì tôi, vì khán giả, anh cố gắng, anh chịu đựng để đảm bảo phần vũ đạo vẫn uy dũng, trang nghiêm.

Có lúc, đứng từ bệ cao, nhìn người bạn diễn di chuyển, tập trung cho những đường gươm hào hoa, lòng tôi tràn ngập sự kính trọng và cảm thấy… nợ nghề anh biết mấy. Là con nhà nòi, người lưu giữ vốn quý của sân khấu cải lương Hồ Quảng, nhưng cái đáng quý hơn nữa ở NSND Thanh Tòng là ông có công lớn trong việc chuyển cải lương Hồ Quảng sang cải lương tuồng cổ, ghi dấu bằng chính những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Để biến những điệu bộ của cải lương Hồ Quảng sang những trình thức vũ đạo của cải lương tuồng cổ một cách uyển chuyển, điệu nghệ và hào hoa như thế, tôi hình dung, đằng sau cái tư chất nghệ sĩ, Thanh Tòng còn là một nhà khảo cứu, với sức lao động bền bỉ , tận tụy, thầm lặng.

Chỉ ray rứt một điều, hãy còn trong ông nhiều “bí mật” của nghề và nghiệp, nhiều khát vọng mà con người tài hoa và nghiêm cẩn ấy ấp ủ… Kho tàng lịch sử dân tộc hào hùng, bất khuất, vang dội của suốt mấy ngàn năm là đề tài bất tận cho sân khấu cải lương. Nhưng nếu không có một con người say mê, mẫn tiệp như Thanh Tòng, ai sẽ đánh thức nguồn cảm hứng vô tận ấy… Tôi nghĩ về điều này từ nhiều năm trước khi sân khấu cải lương nói riêng và nền văn hóa nghệ thuật truyền thống nước nhà nói chung đang chỉ tồn tại qua từng trích đoạn, mảng miếng.

Ông ra đi, cái “đấm tay” ấy càng vô vọng… Ngồi cạnh NSND Thanh Tòng qua nhiều mùa giải trong vai trò giám khảo, mới thấy sự tường tận về nghề lẫn… đời của ông. Nghiêm túc, chỉn chu, đòi hỏi cao trong chuyên môn nhưng bao giờ, lẫn trong những nhận xét, góp ý công tâm, thẳng thắn ấy là cái tình trĩu nặng, ông vừa là người thầy vừa là người cha, ấm áp, bao dung.

Thậm chí, đôi khi ông hơi vị tình mà áy náy. Với con gái Quế Trân, ông càng nghiêm khắc, mặc dù, cái đêm Quế Trân đăng quang giải Trần Hữu Trang, tôi nhớ ở sân khấu Nhà hát Hòa Bình, trên sân khấu, con gái khóc vì xúc động, vì vui mừng, vì những nhọc nhằn học nghề, làm nghề thì dưới hàng ghế khán giả, một người cha đã không kềm được những giọt nước mắt thương con, trọng con, tin con vì nó đã chịu bao khó khăn, áp lực và thử thách để bám nghề.

Nhìn con đường trưởng thành của Quế Trân là thấy cả nền tảng giáo dục và tư cách giáo dưỡng của Thanh Tòng và vợ của ông. NSƯT Quế Trân là một sự tiếp nối xứng đáng và đầy kỳ vọng của NSND Thanh Tòng. Tôi nhìn thấy một sự lưu dấu, truyền tụng và hơn thế, là một nét khai phá đầy văn minh trong cách thức làm nghề, giữ nghề của Quế Trân và các nghệ sĩ cùng thế hệ như Hữu Quốc, Trinh Trinh, Tú Sương, Điền Trung, Thanh Thảo, Bình Tinh…

Nhiều lần có dịp hát cùng sân khấu, như một thói quen, sau suất hát của Thanh Tòng hay Quế Trân, bao giờ tôi cũng lẳng lặ ng quan sát một người phụ nữ đẹp, có cốt cách, rất chu đáo chờ đón. Đường về nhà của hai cha con – nghệ sĩ Thanh Tòng – Quế Trân không thể bằng phẳng và êm ái hơn nếu vắng đi người phụ nữ ấy… Giờ, tôi lại thảng thốt lo, hai người phụ nữ ở lại, sẽ phải chống chỏi thế nào trong sự mất mát này, sẽ phải dìu nhau đi trên đoạn đường còn lại.

Về nhà. Chiều nay, tôi bước vào phòng thu. Cái thanh âm ngũ cung chợt cất lên, như đã từng rao trong suốt quãng đời gần sáu mươi năm ca kỹ. Lòng tôi bỗng vắng bặt lạ thường. Một vì sao đã lặn. Một thanh âm đã thôi vang… Chỉ có gió là âm u thổi. Gió tiễn một vầng mây…

NSND Bạch Tuyết
Theo Báo Phụ Nữ

Không có nhận xét nào: