ĐÂY, THÀNH PHỐ TÔI YÊU: ĐẤT NÀY ĐÃ HÓA LINH HỒN




 Sài Gòn – TP.HCM hiện hữu như hơi thở, như con đường, như phố xá, bạn chìm đắm trong nó, bạn thụ hưởng mọi thứ thuộc về nó, bạn mặc nhiên như thuộc về nó…


Ở lại… 

Ngày 26/4/1975, nhà tôi, một công dân Pháp đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất để rời Sài Gòn. Ngồi ở sảnh chờ, nhìn bầu trời mùa hè không rực rỡ mà bức bối, tôi ngoảnh lại, như thể chối từ cái sắc màu ngột ngạt ấy, rồi nghĩ mông lung…

Tôi đón xe trở về căn biệt thự ở Điện Biên Phủ. Cửa mở. Nhà tôi không ngạc nhiên. Tôi thả giày, chân trần băng trên đám cỏ, nói với Charles Đức, em muốn ở lại, em là nghệ sĩ cải lương, cuộc sống của em là ở đây… Nhà tôi vẫn lẳng lặng đi bên cạnh. Tôi ngẩng mặt tìm lại màu trời, lá cờ Pháp đón gió trên nóc nhà, xanh lơ, đỏ thắm, đất nâu mát rượi dưới chân tôi.

Mấy tháng sau, tôi ngất ngây đón nhận tin vui: tôi sắp được làm mẹ. Khi mọi sự tưởng chừng đã an bài, tôi không quẫy đạp đi tìm cái mà mình không thể có thì một sự sống đang nảy mầm trong tôi. Hạnh phúc nhân đôi.

Năm 1976, Sài Gòn được đổi tên mới. Con trai tôi chào đời, mang theo dòng sông Bảo Giang quê ngoại. Cháu rời Việt Nam để du học và sống tự lập, hành trang là cây đàn bầu, đai đen Việt võ đạo và tuổi thơ bình yên của một thành phố bình yên. Mãi cho đến bây giờ, những lá thư gửi về cho mẹ, cháu vẫn nắn nót ghi mấy chữ tiếng Việt: Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Có hôm, tôi hát Đời cô Lựu ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, con trai tôi họp ở Hồng Kông, cháu bay thẳng về Hà Nội, mua vé, vô ngồi coi mẹ hát. Vãn tuồng, cháu đi một mạch vô hậu trường. Võ Minh Luân – NSƯT Kim Tử Long cùng anh chị em đồng nghiệp hết hồn, bà Lựu – tôi tròn mắt ngó thằng con. Tối, sau khi đi thăm chùa Bái Đính, hai mẹ con quay về ngắm trăng sao Hà Nội. Tôi bảo, ngày trước mẹ đi hát, xa lắm thì cũng chỉ tới Huế, một nửa đất nước phía bên kia mình chưa bao giờ hình dung được. Mẹ đã nghĩ, một ngày nào đó mẹ muốn đi tận cùng dải đất này, vì thế mẹ rất yêu câu hát của ông Trịnh Công Sơn, biển xanh sông gấm nối trọn một vòng Việt Nam là vậy…




Trở về … 

Nửa năm trước ngày đi xa, Phạm Huỳnh Tam Lang có nhờ đứa cháu chở anh về thăm tôi ở Q.9. Sức khỏe giảm sút nhiều nhưng sự ấm áp, đôn hậu trong con người tử tế ấy, vẫn đầy ắp. Con đường anh đi ngang qua là cư xá Thủ Đức ngày trước, nơi chúng tôi sống. Vẫn nhiều cây xanh và những vuông đường ngay ngắn. Sau những câu chuyện, và cả những khoảng lặng không lời, anh lại leo lên xe gắn máy cho đứa cháu chở về. Hai kẻ bạc đầu chào nhau, tôi tiễn anh về trên lối cũ. Nhưng đường giờ đã là xa lộ, thênh thang, thoáng đãng.

Nhà tôi, cha của con trai tôi, một đời kiêu bạc. Ngày ông mắc bệnh hiểm nghèo, vẫn cứ lạc quan, bặt thiệp, hai chúng tôi hẹn nhau ngồi ở hàng ba, uống trà, nói chuyện mình, chuyện đời. “Ba qua Pháp cho bác sĩ quen coi bệnh án, mấy bữa ba về, có gì ba cho mình hay”. Email vẫn đều đặn mỗi ngày, có khi bặt tăm mấy bữa, tôi gọi, con trai đang có mặt cạnh papa. Nhà tôi hẹn ngày 8/4 sẽ về tới TP.HCM. Còn bảo, hai ông bà già sẽ đi ăn sáng ở Continental một bữa nhe mình…

Nhưng Ba Đức không trở về – như tôi tìm về căn biệt thự 378 bis hồi 41 năm trước. Ông đã ra đi trên đất Pháp, dặn các con đưa ba về quê nhà…

Tôi ôm lấy những hạt bụi hào hoa, lãng tử. Thấy cả một quãng trời Duy Tân, 378 bis Điện Biên Phủ và những chuyến đi, những cuộc trở về… bao giờ, cũng dấn thân, cũng gai góc. Khuya ấy, tôi ngồi nơi góc hành lang của Park Hyatt, ngậm chút cacao nóng, nghĩ về làn khói mỏng và tiếng “tích tắc” của chiếc hộp quẹt Zippo. Nhìn qua khe cửa, bên kia là dốc sương mù, người và xe đổ về ăn cháo khuya.



Khuya 16/6/2009, tôi đón thầy tôi – NSND Phùng Há trên chiếc xe chớp lóa bóng đèn nhưng im bặt tiếng còi để trở về nhà – chùa Nghệ sĩ ở Gò Vấp. Như thể sau một chuyến lưu diễn xa của hai thầy trò. Bà nằm im, gương mặt lẫy lừng trên sàn diễn, nay thư thái, nhẹ nhàng.

Lễ tang bà được Nhà nước tổ chức trang trọng, chu đáo, ấm cúng. Sau này, tôi được biết, bà để sẵn một số tiền vừa vặn cho tang lễ của mình. Mới sực nhớ lời má nói hôm ghé qua nhà tôi ở chơi mấy ngày, thành phố này họ tốt với má lắm, nhưng má không muốn làm phiền họ, tốn kém của Nhà nước, của thành phố thì cũng là của bà con khán giả ân nhân, má đã chuẩn bị sẵn cả rồi…

Thành phố này dường như không có tuổi. Bốn mươi năm, thành phố đã hòa chung trong dòng chảy mấy trăm năm, thành một nhịp sống, nhựa sống tràn trề sinh lực, tràn đầy một năng lượng cực kỳ tích cực. Có phải vì thuộc về phương Nam – hầu hết hành trình mở cõi, mở đất của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đều tiến về phương Nam – mà Sài Gòn – TP.HCM cũng luôn trong tâm thế ấy. Người-mở-đường.

Lạ, tôi nhớ cảm giác ngày hè của 41 năm trước. Tôi tò mò, có phần hơi… háo hức để chờ xem một bức tranh khác của cuộc sống. Tôi không sợ hãi, tuy cũng có chút lo lắng. Nhưng thành phố này luôn cho tôi bình yên, luôn mang lại cho tôi cảm xúc dự phần. Những tháng ngày cùng hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga “ra trận” – 1978- 1979, tôi thấu rõ tôi – không chỉ là một nghệ sĩ. Tôi và các đồng nghiệp của mình – những công dân của thành phố. Trên chuyến bay trở về của đoàn 2-84, tôi, NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy, NSND Diệp Lang, NSND Thanh Tòng, NSND Thanh Hải, NSƯT Minh Vương… như những đứa con của thành phố, trở về nhà, trong vòng tay của gia đình, lãnh đạo, nhân dân. Con trai tôi, nó hơi hờn vì mẹ xa nhà lâu quá, ngập ngừng đón rồi ôm lấy tôi.



Sài Gòn – TP.HCM hiện hữu như hơi thở, như con đường, như phố xá, bạn chìm đắm trong nó, bạn thụ hưởng mọi thứ thuộc về nó, bạn mặc nhiên như thuộc về nó; hoặc thành phố này đã thuộc về bạn. Thói quen. Sở thích. Trạng thái. Là chính bạn.

Đời ca kỹ, tôi đứng trước cả hàng triệu khán giả, đứng trên cả trăm sân khấu trong ngoài nước. Nhưng chỉ khi hát ngay tại Sài Gòn – TP.HCM, cảm giác vãn tuồng, trên đường về nhà, lên xe, kéo cửa kiếng, ngắm nhìn những con đường, bao giờ cũng hạnh phúc, cũng tràn ngập yêu thương.Tôi hát ở rạp Quốc Thanh, Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) rồi sau này ở rạp Hưng Đạo, Thủ Đô, Hào Huê… Có những ngày, cứ chạy show qua lại giữa các điểm hát, tôi như thể con bé đen nhẻm ngày xưa, loanh quanh trong khu xóm Nancy – Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ). Thân thiện. Bình yên.

Trưa nay, tôi về thăm thầy tôi, đã bảy năm rồi bà đi xa. Chùa Nghệ sĩ, một phần nhỏ bé trong di sản bà để lại vẫn có chút nhếch nhác, lộn xộn, vẫn cứ xanh xanh đỏ đỏ. Nhưng không sao, mọi người cứ tụ hội về, nghệ sĩ, công nhân hậu đài, khán giả, chào nhau, thăm nhau, rồi ai nấy tản ra vườn mộ thắp nhang, lẩm nhẩm ca theo làn khói với vua đĩa nhựa Tấn Tài, huyền thoại Thanh Nga…

Đất này đã hóa linh hồn.

NSND Bạch Tuyết
Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh (Trang văn hóa Nghệ thuật – 20.06.2016)

Không có nhận xét nào: