NỢ NHÂN SINH



Cả một đời nặng nợ nhân sinh, nợ cũ chưa kịp trả vay thêm nợ mới. Những món nợ khiến lòng ta thêm trong trẻo, thêm yêu thương, thêm sức sống … 

 
1. Năm 2006, sang thăm con, dẫn Val ( tên thân mật của Valery Bauduin Nguyễn Bảo Giang ) đi ăn phổ. Giữa câu chuyện về bên nhà, về cải lương, tôi hỏi con kế hoạch làm bố. Val nói nửa bâng quơ nữa nghiêm nghị, con phải chuẩn bị mọi thứ để khi nào sinh con, Caroline phải nghỉ hẳn ở nhà với con của con… Hai năm sau, 2008, đúng ngày Quốc Khánh Việt Nam, cháu nội Brandy của tôi chào đời, con dâu tôi tới nay vẫn đang thực hiện đúng “ cam kết “ với chồng là ở nhà chăm con. Mọi công việc, dự định của người mẹ trẻ này đều gác lại. Hình như con trai tôi đã nghĩ đúng, làm đúng… Chợt buồn bì tôi – một người mẹ, đã nợ con trai mình một tuổi thơ không trọn vẹn.

Còn nhớ, sau chuyến lưu diễn vòng quanh bảy nước Châu Âu vào năm 1984 trở về, ngập giữa rừng hoa và vòng ôm của mọi người, Ông DƯơng Đình Thảo – Giám đốc sở văn hóa – Thông tin thời đó hỏi đùa Val : “ Cháu có thấy tự hào về nghề nghiệp của mẹ?”, Val hồn nhiên trả lời : “ Trong khi ai cũng thấy quanh mẹ cháu quá trời hoa, nụ cười thì ở nhà cháu với ba ngồi đếm thằn lằn chờ mẹ về. Nếu cháu có quyền, cháu sẽ…đập hết nhà hát để mẹ không phải đi hát mà ở nhà hẳn với cháu…”

Không ai kịp đỡ lời, mà nếu có thì cũng chẳng ai có thể ngăn được cái ước muốn chính đáng của một đứa trẻ khi với nó, mong ước duy nhất là được lớn lên trong vòng tay của mẹ. Năm 1979, sau khi NSUT Thanh Nga ra đi, tôi nhận lời đề nghị trở ra sân khấu với “ chiến trận “ Dương Vân Nga, sau một thời gian rời xa sàn diễn từ cuối năm 1973. Những cuộc lưu diễn phục vụ các binh đoàn ở Mặt trận 479 rồi sang Châu Âu khiến tôi biền biệt xa nhà. Val ở nhà với ba vá các cô, các chị. Thỉnh thoảng có má Giàu ( NSUT Ngọc Giàu ), má Liên ( NS Phượng Liên ) ghé thăm. Nghe đâu mãi leo trèo, Val rơi từ mái nhà xuống đúng … chậu nước. Mấy cô cháu một phen xanh mặt. May là không thương tích gì. Tôi ngày nào cũng điện thoại về thăm con ở nhà, nhưng mãi sau này mới biết chuyện. Ngọc Giàu bảo, nó dặn, hai má đừng nói gì hết kẻo mẹ con lo. Đi xa mà lo chuyện ở nhà làm sao mẹ con yên tâm hát được …

Khi tôi về nhà, Val lại lên đường du học. Ngày đưa đứa con trai duy nhất, mới 12 tuổi sang Thụy Sĩ, tôi nén hết những hoang hoải trong lòng dặn con, bà ngoại mất khi mẹ mới tám tuổi, con bây giờ hơn mẹ hồi đó đến bốn tuổi. Mẹ muốn trong mọi hoàn cảnh, con đề có thể sống như một người tốt …

Chao ôi, những người lớn thiếu công bằng và sòng phẳng. Họ đem cả quãng đời đầy trải nghiệm đề phủ lên những bước chân còn tập tễnh, những ánh mắt hãy còn ngơ ngác… Tại sao tôi lại có thể bảo bọc con trai mình bằng cái tuổi thơ mồ côi mẹ của mình mà không là sự trọn vẹn, sự ấm cúng? Tôi thương con hay đang chỉ vì cái ám ảnh tuổi thơ chống chọi, nổi loạn, cô độc…

Tôi nợ con trai mình…


 2. Năm 2010, đoàn làm phim Ngục trung nhật ký diễn ca thẳng tiến ra Bắc để thực hiện những cảnh quay ở hang Pắc-bó, suối Lê-nin… NSƯT-đạo diễn Trần Kiên, người một đời đeo đuổi những thước phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh đã hồ hởi xem đây là một thử nghiệm mới. Tôi và anh gặp nhau, thôi thì đủ chuyện về nghề, về cả những dự định của một giai đoạn “ chuyển giao “ cuộc đời sắp tới…

Những cảnh quay cuối cùng hoàn tất, lên xe trở về Hà Nội, Kiên nói với mấy anh em trong đoàn. Muốn đi chung xe với bạch Tuyết để còn… nói chuyện. Chuyện cũ chưa dứt, những ấp ủ mới cứ đâm chồi. Kiên loay hoay kiếm mấy cái đĩa, bảo phải có gì gọi là kỷ niệm tặng Bạch Tuyết chứ… Kiên hí hoáy ký tặng tôi lên những đĩa nhạc của đời anh. Tôi thiu thiu đi vào giấc ngủ chập chờn, nói với lại, bạn giữ giùm tôi, chút về Hà Nội tôi lấy nhé… Xe vẫn chạy, đã vào địa phận Thái Nguyên, trời mưa lâm thâm…

Bỗng trời đất nghiêng ngửa, tôi nghe rõ từng tiếng rầm, rầm, trước khi tất cả tối sầm lại. Tôi mở mắt. Gió như lào xào phủ qua mặt tôi, mát lạnh, tê dại…

Những ai còn có thể gượng đứng lên để tự mình vẫy một chiếc xe đi cấp cứu thì đang cố. Kiên không tự đứng dậy được. Một người đi đường đã giúp tôi cùng đưa anh lên xe. Họ giúi vào tay tôi mớ tư trang của anh, có cả những đĩa nhạc ghi tên tôi còn chưa ráo mực trên đó… Không ai kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mười lăm phút trước khi xe tấp vào cổng bệnh viện, Kiên ra đi trên tay tôi. Tôi ôm những chiếc đĩa anh vừa ký tặng mình… Cả một đời làm ca kỹ, ký tặng hàng ngàn hàng triệu tấm hình cho khán giả, lần đầu tiên tôi nhận được chữ ký trao tặng của một nhạc sĩ tài hoa, chưa chịu nhận, còn nhờ giữ giùm. Kiên vẫn giữ cho tôi mà đã không còn kịp trao tận tay…

Tôi nợ Trần Kiên một chuyến đi định mệnh.

3. Như một thói quen, nghe thông báo ngày phát quà, khám bệnh miễn phí cho bà con, đêm ca hát từ thiện, tôi nhận lời ngay, cũng là dịp cho những học trò của mình, nghệ sĩ Phương Trần, Tấn Loan cọ xát với sân khấu để thêm chững chạc, trưởng thành. Chúng tôi trực chỉ huyện Chợ Lách, Bến Tre. Cầu Rạch Miễu, Hàm Luông đã nối gần những bến bờ để nhịp sống của bà con vùng đất Đồng khởi bớt nghèo, đỡ cực hơn, dù cái lam lũ vẫn còn đó. Xe đưa chúng tôi từ trụ sở xã ra thẳng điểm hát. Khán giả nô nức xem mặt nghệ sĩ. Tôi không thể phân biệt được đâu là sân khấu đâu là sân bãi vì mọi cái cứ tù mù, chỏng chơ. Thôi rồi…! Cả ba thầy trò không còn đường thoái lui. Mọi người đang chờ sự xuất hiện của chúng tôi. Hơn một giờ đồng hồ trang điểm, làm mặt công phu; những trang phục biểu diễn được chuẩn bị kỹ lưỡng… đâm ra lạc lõng bởi dàn âm thanh khàn đặc, bởi hai cái bóng đèn âm u, bởi cô “ em xi “ diêm dúa đầm đìa sặc sỡ kim tuyến.

Chỉ có điều …

Trong cái không gian nhếch nhác, luộm thuộm ấy, tôi nhìn ra những gương mặt thỏa thuê, những nụ cười hạnh phúc. Hình như họ không hề giận vì sự cẩu thả của nhà tổ chức; cũng chẳng nề hà vì sao âm thanh nghe không trong, không rõ. Có tiếng lao xao, về được đây là quý rồi, bà con vui lắm rồi… Canh cánh bên mình cái nợ ân tình với khán giả, bà con.


 Sinh thời dù đã bước qua tuổi 90, nhưng mỗi dịp xuất hiện trên sân khấu, lời đầu tiên và cử chỉ đầu tiên bao giờ thầy tôi, NSND Phùng Há cũng chắp tay và nói, xin tri ơn những vị khán giả ân nhân của chúng tôi…

Đất nước hòa bình đã hơn ba mươi năm, có quá nhiều đề án lẫn chiến lược về phát triển văn hóa đến vùng sâu vùng xa. Ấy vậy mà nhiều nơi tôi đến, sân khấu chỉ là một giàn giáo dã chiến, vài tấm bạt vây quanh, khán giả dư dả thì thuê ghế nhựa, không thì biến chiếc mũ bảo hiểm thành… ghế, say sưa thưởng thức nghệ thuật. Có lẽ do “ định lượng “ công chúng qua sự dễ chịu, dễ tính đến mức dễ dãi và ngây thơ như thế nên không ít nghệ sĩ lẫn nhà tổ chức biểu diễn đã mặc nhiên “ định tính “, coi thường, quăng quật lên sàn diễn những sản phẩm giải trí thô thiển. Lẽ nào, sân khấu đã cho bạn danh vọng, tiền tài, vị trí cao đến thế trong lòng cuộc đời, bạn lại trả lại sự lười biếng, cẩu thả, thiếu trách nhiệm với chính những gì đã tạo dựng và vun đắp nên bạn.

Trong phòng thu trích đoạn của vở Trần Nhân Tông, khi tôi dìu NSƯT Minh Phụng vào một câu vọng cổ, anh vừa lấy hơi ca vừa mỉm cười nhìn tôi như thể lời cám ơn. Tôi nắm tay anh, nhìn sang Kiều Tiên, vợ anh, nói nhỏ, anh ca nghe còn ngọt quá trời, biết đâu mai mốt tui với anh ráp lại làm Mẫn Văn Lâu và Hàn Ni hát cho bà con nghe chơi đỡ buồn… Minh Phụng cười. Tôi giữ mãi nụ cười trẻ thơ ấy để rồi dang dở một lời hứa vô định cùng người bạn diễn, trong một vở tuồng duy nhất là Mùa thu lá bay.

Lặng lẽ đến cùng những người bạn, tôi thu mình dưới hàng ghế khán giả để theo dõi anh – một trong những linh nhân trong đời ca kỹ củ tôi. Khi MC hỏi, 70 tuổi, ông còn ước muốn điều gì cho nghề hát của mình? Anh hơi ngập ngừng, giọng không còn sang sảng nhưng cũng đủ để cứa vào lòng tôi. Anh thổ lộ, tôi vẫn còn một mong mỏi là xuất hiện một lần trên sân khấu cùng “ Cải lương chi bảo “ Bạch Tuyết. Tôi om lặng nghe và im lặng rời đi, cho đến ngày về lại Việt Nam. Lần cuối cùng tôi và anh cùng đóng là vợ chồng cô Lựu – Võ Minh Thành trên sân khấu Pháp. Từ chuyến đi vinh quang và cũng đầy bất trắc ấy, anh đã không trở về…

Đêm đầu tiên tôi trở lại sân khấu say ngày đất nước thống nhất, gần 6g tối, chuông điện thoại reo vang. Tôi nghe tiếng anh rồi im bặt. Tôi lặng người, biết chắc là anh đang đau đáu, đang quay quắt, đang khắc khoải. Có phải sự trở lại lần này – chỉ mỗi mình tôi thôi mà không có anh bên cạnh – là sự vô tâm ở tôi, lại khiến vết thương đam mê trong anh rỉ máu? Nhưng không, anh bảo, anh mừng cho em lắm, em trở lại sân khấu đi, em diễn luôn phần của anh nữa nhé…

Lồi căn dặn cũng là lời từ giã. Anh lặng lẽ rời đất nước để rồi mấy mươi năm sau, di nguyện của đời anh là được về lại quê nhà, nơi tiếng ca và phong thái của một nam nghệ sĩ tài hoa ấy đã tiếp sức và cùng tôi tạo nên Ngọn sóng thần…

Cả một đời nặng nợ nhân sinh, nợ cũ chưa kịp trả lại vay thêm nợ mới. Những món nợ khiến lòng ta thêm trong trẻo, thêm yêu thương, thêm sức sống…

NSƯT BẠCH TUYẾT - Báo Phụ Nữ Xuân 

Không có nhận xét nào: