NSƯT THANH NGA: NHỮNG KỶ NIỆM...



Ba người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất trong đời là mẹ, má Bảy Phùng Há và chị Thanh Nga. Đã hai người bỏ tôi ra đi, mẹ mất khi tôi tròn 8 tuổi còn chị Thanh Nga đã bỏ tôi đúng lúc tôi đang học hỏi ở chị rất nhiều. 


Giấc mơ về chị vẫn luôn có trong tôi, từ ngày còn là một khán giả nhỏ. Năm 14 tuổi, tôi vẫn còn là cô học trò rất ngây thơ học ở trường Đức Trí đã len lỏi trước bao khán giả để xin một tấm hình có chữ ký Thanh Nga. Không biết có phải hữu duyên hay không mà tôi được chị Nga chú ý, chị nâng cằm tôi và hỏi: "Cưng có biết hát cải lương không?" Tôi sung sướng trả lời: "Thưa chị, em biết hát tân nhạc chút chút". Thế là chị bảo: "Em đi học cải lương đi, gương mặt này đi hát nổi tiếng lắm đó".

Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Thật tuyệt vời, cả đêm tôi mất ngủ, cứ mơ màng nhìn thấy chị. Thời điểm đó, chị nổi tiếng lừng lẫy với các vở Người vợ không bao giờ cưới, Hoàng hậu mã nhi nương bửu... Lời khuyên của chị ngày nào đối với tôi như một định mệnh. Tôi bước vào nghệ thuật và trở thành nghệ sĩ. Năm 1963, tôi đoạt HC vàng giải Thanh Tâm cùng nghệ sĩ Ngọc Giàu, Trương Ánh Loan, Diệp Lang, Thanh Tú, Tấn Tài. Thật bất ngờ, sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga đã quyết định dàn dựng vở Khói sóng Tiêu Tương của tác giả Hà Triều Hoa Phượng, tập hợp toàn các nghệ sĩ vừa đoạt giải nhập vai. Chị Thanh Nga vào vai tiểu thư Bàng Lộng Ngọc còn tôi đóng vai ca kỹ Thuý Mai. Ngày tập tuồng, tôi chủ động gặp chị và nhắc lại lời khuyên của chị ngày nào, đồng thời đưa ra tấm hình mà tôi gìn giữ như một báu vật. Chị ngạc nhiên và cảm động lắm rồi vuốt tóc tôi bảo: "Phải ráng lên em, phải yêu nghề, sống chết với nghề thì mới thành công, phải luôn ơn nhớ tổ nghiệp". Ngày ấy, tôi vô cùng tự hào và hãnh diện vì được diễn chung với chị, mỗi lần diễn xong tôi lại chạy vào cánh gà quan sát từng động tác, cử chỉ của Thanh Nga. 

Cả trong đời thường, tôi vẫn len lén mải mê quan sát chị. Thanh Nga là người chẳng bao giờ phải ồn ào, không phải hoạt náo để bày tỏ vị trí ngôi sao lớn, chị cũng không sa vào chuyện hậu trường của bất kỳ ai nhưng đầy đủ ân cần với cả đồng nghiệp và khán giả.

Có những khoảnh khắc "thoát ly" nhân vật, tôi ngắm nhìn chị ngay trên sàn diễn, ánh mắt vời vợi, thăm thẳm như vừa mất hút lại vừa chói rực sau vừng sáng của đèn, của âm thanh... Đã mấy mươi năm rồi, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn ánh mắt ấy. 

Cái đêm chị ngã xuống và nằm lại bên chồng, để lại đứa con trai duy nhất, tôi bần thần siết chặt con vào lòng văng vẳng bên tai lời của chị: "Cưng biết hát không?... Khuôn mặt này đi hát là nổi tiếng lắm đó!".

 Tự đáy lòng, tôi muốn hỏi đất, hỏi trời đã có bao giờ dự đoán về sự ra đi quá đau đớn và đột ngột này hay không? Có hay không thì chị, tài năng tạo thành biểu tượng của cái đẹp đôi khi quá mong manh rồi vỡ vụn với chính trị để hóa thành vĩnh cửu với tha nhân... Mất hoá ra còn.

 NSUT Bạch Tuyết (Theo Thế Giới Nghệ Sỹ)

Không có nhận xét nào: