VĨNH BIỆT NSND PHÙNG HÁ: GIỮ MẶT CHO ĐỜI



Bài viết gần đây nhất mà tôi gửi cho Báo Phụ Nữ là Kỷ lục đời người, nhân mừng thọ NSND Phùng Há 99 tuổi. Ấy vậy mà chỉ hơn hai tháng sau, tôi lại ngồi gõ những dòng chữ đầu đề “Vĩnh biệt NSND Phùng Há”. Học giáo lý Phật, cố gắng thấm nhuần cái triết lý vô thường, vô ngã kia, nhưng sao đứng trước sự thật này, cái khoảng cách mong manh, bất chợt giữa sinh – tử vẫn khiến tôi thất thần, hụt hẫng và đau đớn… 

 
Nhớ một trong muôn vàn chuyện cũ, hồi còn ở đoàn Dạ Lý Hương, sau suất hát Yêu người điên vào tối thứ sáu, tôi đang vội vội vàng vàng chùi lớp phấn son để kịp cùng bạn bè lên Đà Lạt nghỉ ngơi thì bất ngờ, má Bảy đứng ngay sau lưng tôi. Bà nói nhẹ nhàng: “Nghề mình có mỗi cái mặt, tối nào cũng phải son phấn lên nên con nhớ lau chùi kỹ kỹ chút, nhẹ nhẹ tay thôi. Giữ cái mặt cho nghề, cho đời để còn hát, còn trả ơn khán giả nghe con…”.


Cũng may mà má “phát hiện” sớm nên từ đó, tôi đã biết nâng niu hơn, chăm sóc hơn gương mặt của mình. Trước mỗi suất hát, trang điểm kỹ đã đành. Màn đóng, tôi lại tẩy rửa kỹ càng hơn. Tựa như ông thầy đờn trả lời khi tôi hỏi vì sao ngày nào sau đêm hát ông cũng xuống dây đờn: “Không xuống, bây để dây lên hoài, đêm mai nó căng nó đứt à. Mình biết nghỉ thì đờn cũng biết nghỉ chứ con…”.

Nhưng khi đã đặt chân vào chốn… danh trường, bạn nào chỉ giữ khuôn mặt mình cho một đêm hát, có khi là cả một đời. Bởi, gương mặt không chỉ riêng là danh dự, vị trí, nhân cách của bạn, nó còn thuộc về trách nhiệm với công chúng, với cả sự khen – chê, yêu – ghét hồn nhiên và… thất thường nữa. Gương mặt hóa ra lại là bóng dáng của trái tim, của khối óc, của những lời nói, hành vi, ứng xử… trong nghề, trong đời.

Mới đây thôi, bà chắc lưỡi bảo: “Làm nghề hát, may lắm mới gặp được người vừa thương mình, hiểu nghề để chấp nhận cho mình, con hả?”. Cũng chính vì “giữ mặt” cho nghề, cho khán giả mà bà cự tuyệt mối tình với người thầy, người tri kỷ năm xưa. Bà lập luận cho chính nỗi đơn độc của mình: “Đêm qua, mình hát tuồng dạy người ta giữ chung thủy, son sắt thờ chồng. Sáng ra mình lại đi giựt chồng người khác. Ai coi cho được hả con. Má thà để ông Năm trách còn hơn phụ lòng khán giả…”.

Lần Hội Sân khấu tổ chức buổi tiệc nhẹ sau khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ, giữa bao nhiêu lời chúc tụng, má Bảy đã hướng về phía chồng tôi, nói: “Tôi thay mặt Bạch Tuyết và biết bao nhiêu nghệ sĩ xin có lời cảm ơn cậu Chales Đức, một người chồng vừa chấp nhận cho vợ theo nghề, vừa mong mỏi cho vợ bồi đắp tri thức… Không phải ai cũng làm được điều đó”. Tự nhận mình “không nhiều chữ nghĩa” nhưng từng hành vi, nghĩa cử của bà luôn trọn vẹn trước sau, là vậy.

Hơn nửa đời người, tôi ghi nhớ bài học sau đêm hát năm nào, để đến đêm 4/7, rạng ngày 5/7, khi trời chuyển về sáng, tôi ngồi đây, ôm lấy gương mặt thanh thản của bà, nhẹ nhàng, kỹ lưỡng, ân cần thoa lên đó một lớp phấn nhẹ, tô chút son hồng, kẻ lại đường chân mày, mí mắt. Sinh tiền, ngay cả khi đang bệnh nặng, bác sĩ lập tức có mặt để khám, bà vẫn thều thào bảo: “Cho tôi sửa soạn lại một chút rồi hãy mời bác sĩ vào. Mình là nghệ sĩ, để mặt mày, tóc tai vậy là không được với khán giả…”. Giờ, khi bà đang thực hiện một chuyến lưu diễn xa, lẽ nào lại không điểm lại chút phấn son để giữ cái nhan sắc nghệ thuật này mãi mãi cho đời, cho người…

NS Bạch Tuyết – Báo Phụ Nữ

Không có nhận xét nào: