TT - Sinh thời, NSND
Phùng Há từng bộc bạch: “Cuộc đời tôi mang ơn đất mẹ. Ngoài cái tên Trương Phụng
Hảo, tôi thuộc về mảnh đất Mỹ Tho, nơi tôi được ca hát. Nhờ ca hát mà tôi có tiền
nuôi mẹ, đùm bọc gia đình và trả ơn những khán giả ân nhân của mình...”.
Và lúc này đây, nỗi niềm
đau đáu cũng là cốt cách làm người của bà - mang ơn và trả ơn - đã lặng lẽ đi
vào đất trời, bình an và thanh thản.
Mới đây thôi, ngay trước
sinh nhật lần thứ 99, bà cùng tôi, hai thầy trò ngồi tâm tình. Chuyện đời còn
nhớ nhớ quên quên. Duy chuyện nghề là bà tinh anh, minh mẫn. Hơn nửa thế kỷ, ấy
vậy mà những trình thức vũ đạo, kiểu nói lối gối bài ca, cách nhả chữ, nhấn câu
đều được bà tinh tường qua những vai diễn đã đi cùng lịch sử cải lương như Bạch
Thu Hà, Mộc Quế Anh, Tô Ánh Nguyệt, cô Lựu, Lữ Bố...
Từ đào thương sang kép
võ, bà đoan trang đó, đôi chút lẳng lơ đó rồi lại khôi ngô, tuấn tú và uy dũng
lạ thường đó. Tôi thâu tóm hết vào tầm mắt, đôi tai và cả niềm đam mê chưa bao
giờ nguôi trong mình “bảo tàng sống” về nghệ thuật ca kịch dân tộc đang được
đánh thức. Bất chợt ngậm ngùi, giá như những di sản kia được ghi chép lại, được
bảo tồn, được truyền lưu...
Năm 1979, khi tôi đang
trên sàn tập của vở Thái hậu Dương Vân Nga, bà lặng lẽ ngồi một góc, dù đang là
tư cách của một cố vấn nghệ thuật. Đến đoạn độc thoại “giáo gươm”, bà dứt khoát
nói với đạo diễn Lưu Chi Lăng: “Anh cho tôi mấy tiếng đàn tranh rao trước khi Bạch
Tuyết nói lối”. “Vì sao vậy chị Bảy?”. “Đặt dân tộc lên trên gia tộc, quên niềm
riêng vì nghĩa chung, người phụ nữ đầy quyền lực ấy đang đơn độc lắm, tôi muốn
tiếng đàn tranh lót đường cho Bạch Tuyết...”. Đạo diễn tài ba Lưu Chi Lăng nhìn
bà đầy thán phục.
Đêm công diễn Thái hậu
Dương Vân Nga tưởng thưởng mấy trăm chiến sĩ tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngập chìm
giữa những tràng pháo tay không ngớt, tôi thầm cảm ơn những tiếng đàn tranh đơn
độc của bà... NSND Phùng Há không chỉ dạy cho tôi cốt cách của nghề mà còn là
nhân cách làm người, làm nghệ sĩ dân tộc, là vậy...
Tôi còn nhớ cách đây mấy
năm, một đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Sau khi đến TP.HCM và được
đi thăm chùa Nghệ Sĩ (Q. Gò Vấp), Ban ái hữu nghệ sĩ (Q.1), Viện Dưỡng lão nghệ
sĩ (Q.8), những đồng nghiệp nước bạn đã thốt lên: “Chúng tôi có thể tự hào với
nền nghệ thuật kinh kịch đặc sắc nhưng chúng tôi đã không thể nghĩ được và làm
được điều mà nghệ sĩ các bạn đã làm, đó là xây dựng một cụm công trình văn hóa
cho chính giới nghệ sĩ”.
Nói chữ nghĩa, đôi khi
chuyện lại thành... to tát. Còn những việc làm thật sự thiết thân thì bà và những
đồng môn như NSND Năm Châu, Ba Vân, soạn giả Trần Hữu Trang, thương nhân Huỳnh
Văn Phát... từ hơn nửa thế kỷ trước đã chắt chiu từng thửa đất, đồng tiền để
người nghệ sĩ sau đêm hát còn có chỗ nương náu, trở về. Cũng chỉ vì bài học biết
ơn và trả ơn kia mà ngay khi đang trên đỉnh vinh quang hay ở tuổi xế chiều, bà
cứ canh cánh, không chỉ là “lo cho nghệ sĩ già, neo đơn thì cũng có chỗ rồi,
nay còn thế hệ sắp tới, nếu cứ để tụi nhỏ con em nghệ sĩ sinh ra, lớn lên trong
đoàn hát, nghèo, không được ăn học thì hậu vận của cải lương sẽ thế nào
đây...”.
1g30 sáng 5-7, tôi cùng
NSƯT Nam Hùng đón bà từ bệnh viện về lại chùa Nghệ Sĩ. Bà đã trở về nhà. Như một
định mệnh, lúc này bà lặng lẽ trở về để rồi ngày mai lại lên đường với một chuyến
lưu diễn xa xôi, vô tận...
NSƯT BẠCH TUYẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét