GIỮ ĐẠO LÀM NGHỀ – LÀM NGƯỜI



Đôi ba lần gặp khán giả, bà con nói: “Thấy cô Bảy Phùng Há cứ lặn lội đi làm từ thiện, tụi tui lo cho sức khỏe của cô quá…”. Tôi thay má Bảy trả lời: “Nhưng không có má đi cùng thì người cho lẫn người nhận đều không vui”. Má bảo: “Mình đi chuyến này để có tiếp chuyến sau, giúp được bà con mình nhiêu má cũng vui hết trơn…”. 

Tôi nhớ có chuyến về Hồng Ngự, Đồng Tháp giúp bà con nghèo mùa nước nổi. Má không bước xuống thuyền được, một vị tăng ni trẻ, tự nhận làm… cháu ngoại của má, bước tới ẵm bà, sải bước qua vũng nước. Má lúng túng, áy náy. Vị tăng ni trẻ cười, có sao đâu ngoại, ngoại khỏe cái thân thì mới toại ý làm việc thiện chứ…


Người nghệ sĩ trên đỉnh chót của vinh quang, ấy thế mà mọi lần xuất hiện trước công chúng, bao giờ bà cũng xin được chắp tay cám ơn những khán giả ân nhân. Tôi học ở bà nghĩa cử ấy, bởi sống trong đời, thành danh trong nghề, được công chúng yêu thương, quý trọng nếu không biết nói hai chữ cám ơn một cách chân thành thì sẽ vô tình làm những điều vô ơn ở đâu đó.

Nếu NSND Nguyễn Thành Châu đau đáu cả đời với khát vọng “Việt kịch” và ông đã hoàn tất nó một phần; thì NSND Phùng Há lại ý thức đến tột cùng một nghệ thuật biểu diễn với đặc thù “cải lương Việt Nam”. Ở tuổi 99, khi thị phạm cùng tôi vai kép Võ Đông Sơ, Lữ Bố, bà đều bảo: Trình thức (vũ đạo, điệu bộ – tác giả) của ta rất mở, rất thoáng.

Bà đầy “tâm trạng” khi xem một số diễn viên trẻ cứ ra vào sàn diễn bất kể không gian, tình huống, hoàn cảnh, địa vị hay nghe các bạn “nói nhiều hơn ca vì do không giữ được nhịp”. Tôi hoàn toàn đồng ý với bà, là nghệ sĩ ca kịch mà coi thường nhịp, ba lơn trình thức thì chẳng qua chỉ là một sự “gá danh” phù phiếm mà thôi!

Như một phẩm chất của loại hình nghệ thuật dân tộc, khi nào nước có biến, dân gặp khó, cải lương lại đồng hành. Những năm tháng trước 1975, vừa truyền nghề, bà vừa cùng các NSND Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang… không ít lần “xuống đường”, đòi quyền được đối xử công bằng cho giới nghệ sĩ. Thử hỏi, khi nước đang mất thì liệu còn có sự công bằng nào cho người dân lương thiện? Đến thời bình, một lần nữa, hễ dân nghèo bị nạn thiên tai, bà lại cùng anh em nghệ sĩ gom góp lời ca tiếng hát, quyên từng trăm ngàn, từng thùng dầu ăn, mì gói… trao tận tay bà con.

NSND Phùng Há – một hiện thân của nghệ sĩ cải lương, luôn quay quắt, sôi nổi trên hành trình yêu nước một cách tự nguyện và… tự phát.

Tôi được nghe kể, những ngày đầu sau giải phóng, khi định kiến giai cấp, xã hội còn ít nhiều nặng nề, giữa những cuộc họp chính thức lẫn… bán chính thức để phê bình, kiểm điểm một số nghệ sĩ “dao động lập trường”, bà – với cái phong thái điềm tĩnh, nhẹ nhàng – đã nói về những cái khó nhất định trong những hoàn cảnh làm nghề và tồn tại được với nghề vào những năm Sài Gòn loạn lạc. Lời lẽ chí tình ấy đã góp phần tạo nên những xử lý đầy nhân văn, mặc dù chính bà đã không ít lần bật khóc cùng những đồng nghiệp tri âm trước những bẽ bàng của thế sự.

Nhớ chuyện một số nghệ sĩ “lỡ” xuất hiện trong một số chương trình, băng đĩa “nhạy cảm”, bà chắc lưỡi qua điện thoại với tôi: “Sao tụi nhỏ dại quá chừng… Ham hát mà sẩy chân chứ nào có biết chính trị chính em gì đâu, con hả?”. Bởi cả đời ca hát của bà, duy nhất chỉ có một chính trị của lòng yêu nước, biết ơn dân: “Khán giả cho tui nhiều quá, hát hết cả đời này cũng không trả hết…”.

Khi đã thành danh, tôi mới được làm học trò của NSND Phùng Há. Và chính những bài học về làm nghề, làm người là những bài tập nhỏ trong bài học lớn mà bà đã truyền dạy cho tôi cũng như bao thế hệ nghệ sĩ cải lương: yêu nghề, yêu người chính là giữ Đạo làm nghề, làm người.

NSƯT Bạch Tuyết - Báo SGGP 

Không có nhận xét nào: