MỘT MÌNH MUÔN NGƯỜI

1. Thật lạ. Ngồi ở nhà một mình buồn, í ới gọi nhau ra quán cà phê, nhưng bao giờ cũng dặn với: “Nhớ kiếm chỗ nào yên tĩnh chút nhen!”. Ngay khi đi tìm sự lao xao, bạn lại khắc khoải một cõi riêng cho mình. Cuộc “rượt đuổi” cảm xúc này, tận cùng lại là hạnh phúc – thứ hạnh phúc bạn không phải vay mượn; với đời làm nghệ thuật của tôi, Một mình lại là nhân vật thủy chung nhất mà cũng mãnh liệt nhất. 

Theo thời gian và những biến cố, những đồng nghiệp nam của tôi dần rời xa. Không có lời nguyền hay hứa hẹn nào, nhưng tôi tự giữ cho mình và những linh nhân trong đời ca kỹ của mình những khoảnh khắc thiêng. Còn lại một mình, tôi lang thang, bất ngờ tôi gặp chính tôi – Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm… Khỏi phải nói, trong cái hoang hoải phải xé toang chính mình, lưỡng phân chính mình tôi không phải… “gây sự” với bất cứ ai trong những buổi tập tuồng (vì chỉ mỗi mình tung hứng với mình); không phải “thăm dò” hay “đo lường” mức độ cảm xúc… Tất cả là một sự gắng sức ngoài tưởng tượng…  

Hình như, cõi Một mình mới thật sự là của người nghệ sĩ. Ồn ào đó, đông đúc đó, sáng lòa đó. Cái nghề mà bốn phương tám hướng đều thuộc về đám đông, thành hay bại là trước đám đông. Nhưng cái nghiệp lại là… Một mình. Ngẫm lại, những vai diễn đi qua trong đời, ghi một chút vào lòng khán giả, tôi đoán chắc hầu như là những mảng miếng tâm sự, độc thoại nội tâm. Chính nghệ thuật đã công phá cái thành trì Một mình ấy vỡ tan, khốc liệt.
 
2. Bốn giờ sáng, thức giấc, xe đưa ra sân bay. Hai mươi mấy con người, số lạ số thân, quầy quả làm quen nhau trên khoang máy bay để khi vừa đặt chân xuống điểm đầu tiên là Đà Nẵng thì tất cả đều gặp chung ở một điểm: cứu trợ đồng bào. Cũng lạ, ngay từ đầu năm 2009, tôi đã viết e-mail cho con trai, bảo: “Năm nay mẹ sẽ ở nhà”. Trái với mọi năm, đi về cũng cả trên chục chuyến, năm nay tôi “lơ lửng” trên bầu trời nội địa. Có những chuyến đi, người lẫn trong hàng hóa, đoàn cứu trợ chen chúc ở ca bin. Phải “sang người” từ xe này qua xe nọ vì có những bản làng, phải xe “hầm hố” mới đi được. Có chuyến, xe vừa tấp về rìa của thị xã là cơn mưa núi đổ ầm ầm, suýt nữa là mắc võng ngủ rừng. 

Buổi trưa ở xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), cái nắng gắt sau lũ khiến bụi bùn bốc lên mù mịt. Hàng được tập kết vào bãi, chúng tôi dàn thành một đội hình chuyển hàng để rồi sau đó, người thì trao quà, người gửi tiền mặt cho bà con. Cũng là đám đông, cũng những tràng vỗ tay chào đón nghệ sĩ, cái giọng vùng Liên khu V nghe tiếng được tiếng mất: “Phải lâu lắm chị mới về lại với bà con Quảng Nam. Vì vậy, bà con chỉ mong được nghe tiếng nói, tiếng hát của chị…”. Những gương mặt lam lũ ánh lên niềm hạnh phúc; những bàn tay tảo tần, chịu thương chịu khó nhảy múa, mừng vui. Tôi thoáng nghe tiếng sụt sùi rồi tự hỏi, chúng tôi đi giúp người hay đang tự giúp mình. 

Không khoảnh khắc sáng tạo nào cả, chẳng có bay bổng thăng hoa gì, tất cả đều chạm đến cùng sự thật, có khi trần trụi, có lúc thiêng liêng. Ở xã này, có những người đã nhận quà, mau mắn chạy về nhà thay chiếc áo khác, lẫn vào đám đông, van vỉ chuyện mất phiếu cứu trợ để xin thêm một hai suất. Ở xã kia, có cụ già và mấy em bé lủi thủi một góc, chúng tôi trao mấy gói quà, tất cả đều lắc đầu, bảo đã nhận rồi, một mực không nhận thêm. Không đờn, chẳng trống, không kịch bản, chẳng đường dây nhưng cái mạch sống tình người cứ âm thầm, bền bỉ. Cảm giác trĩu nặng tình người như tiếp sức cho cảm xúc sáng tạo, chân thành và thi vị đến nhường nào. Hình như, không còn khoảng cách nào nữa của Một mình hay Muôn người; của sự Đến để Cho và Đi để Nhận… chỉ còn lại vẻ đẹp của tình người, của sự sẻ chia chân thành đang đơm hoa kết trái… 

TS-NSƯT BẠCH TUYẾT – Báo Sài Gòn Giải Phóng

Không có nhận xét nào: