ĐỆ NHẤT DANH CA ÚT TRÀ ÔN



Một trăm năm nghệ thuật ca kịch cải lương đã ghi dấu những giọng ca lẫy lừng, có một không hai: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Hùng Cường, Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Tuấn Thanh… Tài năng nghệ thuật đã đưa họ trở thành những “tượng đài” không chỉ trong lòng công chúng ái mộ mà cả những đồng nghiệp nhiều thế hệ. 

 


Những khoảnh khắc đồng sáng tạo trên sàn diễn; những bài học làm nghề; những ứng xử tình đời của bốn giọng ca nam hàng đầu của nghệ thuật ca kịch cải lương sẽ được nữ nghệ sĩ tài danh Bạch Tuyết tái hiện qua loạt bài sau. 

 “Tôi với em gánh nước cạnh đình làng. Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng. Nước giếng trong giữa đồi cát mịn, ánh nguyệt mờ soi đôi bóng giao…kề” (Gánh nước đêm trăng). Với làn hơi cao vút, vừa mạnh mẽ vừa mùi mẫn, câu một được ông xử lý bằng lối cất chồng lên để tiếp đến “Giữ lòng hai chữ nghĩa nhân. Yêu ai yêu chỉ một lần mà thôi. Em cười em bảo với tôi. Thề có đất trời em không phụ anh đâu…”, để dứt câu hai, ông dùng cách ca chẻ nhịp tài tình, điêu luyện, mê đắm. Sau tiếng song lang giữa câu là “Khăn tay tôi cất đem theo, còn in nước mắt bạn nghèo năm xưa. Quê người dãi nắng dầm mưa. Làm sao quên kẻ sớm trưa đợi chờ”. Cách sắp nhịp trong bốn câu lục bát nói trên chỉ thuộc về ông - Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, khiến câu ca nghe vừa giòn tan, khỏe khoắn vừa đậm đà, ngọt ngào.  

Nhiễm chút “máu nghề” nên mới vẽ vời “phân tách” như trên chứ cái thuở còn hong hóng nghe qua radio, đĩa hát, mấy ai rành nào là nhịp chẻ, nhịp ngoại, chỉ biết nghe hay, nghe đã. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã là một trong muôn ngàn khán giả của ông - thế thôi. Cái hay của giọng ca còn được nâng đỡ, chắp cánh bởi một dàn đờn với các nghệ nhân không chỉ giỏi nghề mà còn biết nghe nhau, nhường nhau trong từng cung bậc; cái tài song hành cái đức nên tuổi nghề cứ trường thọ…  

Mãi sau này, khi chạm một bước lên sàn tập rồi tiến ra sàn diễn cùng ông, tôi vẫn bị xen lẫn giữa cái cảm xúc mê mê mẩn mẩn với cái cảm giác tỉnh táo, cân phân. Đến Tuyệt tình ca, bệ phóng đưa tôi lên “ngôi vị” Cải lương chi bảo thì chính ông đã đóng dấu son cho một kiểu ca - sắp dấu trong chữ chuẩn mực: “Tôi đứng ở đây mà tưởng chừng như đang đứng ở bờ sông Mỹ Thuận. Khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương còn lẩn khuất giữa sông… đầy”.  

Độ mẫn cảm trong bút lực Hoa Phượng đôi khi bao hàm cả cái tính… nghịch ngợm, thách đố của anh, anh thích “làm khó” để thử sức, thử tài của nghệ sĩ (NS). Với đoạn văn nói lối vào vọng cổ nói trên, Hoa Phượng thiên vị cho dấu huyền; và Đệ nhất danh ca Mười Út đã xử lý thần kỳ các dấu huyền ở những cấp độ khác nhau, tinh tế, trau chuốt mà không cầu kỳ, diêm dúa.  

Một chút nao lòng khi giờ này, xe chạy ngang cầu Mỹ Thuận, nơi bến bắc đã lui về dĩ vãng nhưng âm điệu ngày xưa vẫn nghe như “lẩn khuất giữa sông đầy”!  

*  

Khi đã ở trên ngôi cao, cậu Mười (cách gọi thân thương trong đoàn hát dành cho NS Út Trà Ôn) vẫn mộc mạc và đầy tâm huyết. Ban đêm ông say cùng khán giả, ban ngày ông thao thức làm người kiếm tìm, bồi đắp cho gánh Thống Nhứt – Út Trà Ôn nói riêng và sân khấu cải lương nói chung những tài năng mới, những sự kế tục mới. Những cái tên như Diệu Hiền, Thanh Xuân, Ngọc Hoa, Kim Tuyến và sau nữa là… tôi ban đầu còn lạ lẫm với công chúng, nhưng thoáng chốc đã được ông chắp cánh. Con mắt tinh tường, đôi tai thấu cảm, ông phát hiện từng chồi non, đưa về gánh Thống Nhứt, mời các bậc thầy như NSND Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc đến để cầm tay, bẻ chân. Mỗi một vở diễn, vai diễn là cả một giáo án thực tế sống động. Thầy thị phạm cho trò; trò trao đổi, tranh luận cùng thầy; thầy phân tích, lý giải cho trò… và bao giờ cũng vậy, những “dích dắc” còn lại, trước giờ mở màn là chúng tôi tìm đến cậu Mười. Một “quy trình” về đào tạo truyền nghề ở những NS bậc thầy ngày ấy, tuy không qua bất cứ trường lớp nào nhưng sao tinh tế, thuận tình, hợp lý vậy! Một thế hệ NS được công chúng ưu ái trao cho ba chữ “thế hệ Vàng” đã chào đời và trưởng thành chính từ cái nôi nguyên thủy đó!

Giọng ca chất ngất đến thế; làm chủ nhịp điệu, bài bản và cả sân khấu là thế, phủ sóng toàn bộ hệ thống hãng đĩa, đài phát thanh… nhưng kỷ luật làm nghề là điều ông không bao giờ bỏ sót. Mỗi một câu chữ trong kịch bản được ông gìn giữ, trân trọng và học thuộc tuồng kỹ lưỡng. Từ đó, từng chữ, từng câu được ông cân đo để chọn lối sắp chữ, nhả chữ, cách ca, kiểu nhấn. Thiệt là lạ, để đạt đến độ hài hòa, thăng hoa tuyệt đỉnh, nghệ thuật lại đi từ những tính toán chi ly; những kỹ thuật gần như cơ bản nhất, tỉnh táo nhất. Chính vì không nắm vững nguyên lý này, càng về sau một vài “tài năng” đã ngộ nhận và để lộ sự hụt hẫng trong nghề là vậy. 

Trong làng cải lương, hai nam danh ca có cùng một sở thích mê sưu tập xe hơi đời mới và chơi bida, là NS Út Trà Ôn và Thành Được. Cậu Mười ít khi biết nói đùa, ông giữ một sinh hoạt chừng mực, nghiêm túc, không rượu, không thuốc lá. Nhưng người đàn ông tài hoa này cũng rất mực… đào hoa. 

 Năm 1962, tôi được cậu Mười “mua” về gánh Thống Nhứt - Út Trà Ôn; năm 1963, tôi nhận giải Triển vọng Thanh Tâm. Những bài học tập tễnh làm nghề của tôi là từ chính trên sân khấu của ông; vinh quang cũng đã đến với tôi từ những tháng ngày còn non trẻ ấy. Có lẽ vì thế mà những điều thiêng liêng, quý giá nhất vốn lẩn khuất sau những ngóc ngách lẽ đời, lẽ nghề tôi lại chưa từng nhận ra. Tôi nợ ông - như với bao Thầy Tổ của mình - món nợ ân tình mãi không bao giờ trả hết. 

 NSƯT Bạch Tuyết




Không có nhận xét nào: