CHÚNG TÔI Ở LẠI


Ngày 16/4/1975, nhà tôi đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất theo diện di tản của công dân và gia đình thuộc các sứ quán ngoại giao. Ngồi từ phòng chờ, ngắm nhìn trời chiều Sài Gòn, tôi tự hỏi, đất nước thôi không còn chiến tranh, một nửa bên kia sông Bến Hải mình vẫn chưa hề biết tới, sao không ở lại để nhìn thấy, để đặt chân một lần ra ngoài ấy. Mình là nghệ sĩ cải lương, khán giả của mình là ở đây, sao lại phải rời bỏ đất nước mà đi...
Tôi lặng lẽ quay ra và về lại con đường quen thuộc. Từ xa, tôi đã nhìn thấy nóc nhà mình. 

Tối 30/4, Sài Gòn không ngủ. Tối 1/5, có một người lạ ghé thăm nhà. Sau câu chuyện lịch sự và ân cần, ông để lại cho tôi số điện thoại cùng lời bộc bạch: các chị yên tâm ở lại, cách mạng sẽ bảo vệ các chị. Sau này, trong một lần ở Hải Phòng, tôi gặp lại ông, chính xác thì ông bước tới giới thiệu và nhắc chuyện cũ. 
Một trăm năm - cải lương đã nương mình trong số phận và bước đi của dân tộc.
60 năm làm nghề, tôi lại náu mình trong cải lương để nhận lấy những giá trị cao đẹp nhất mà chỉ khi là tư cách một nghệ sĩ, một công dân, tôi mới hiểu trọn vẹn và sống đầy đủ ý nghĩa. 
NSND Bạch Tuyết
Cho đến một ngày không lâu sau sự ra đi lẫm liệt của chị Thanh Nga, ông Dương Đình Thảo và ông Lê Duy Hạnh đã đến nhà tôi và mời tôi trở lại sân khấu. Tôi tin cậy nhận lời. Đêm đầu tiên công diễn Thái hậu Dương Vân Nga (soạn giả Hoa Phượng), tôi về nhà giữa bao cảm xúc không thể tả và nhận được điện thoại của nghệ sĩ Hùng Cường, anh nói rất ngắn, anh mừng cho em... Rồi thôi. 
Năm 1979, trước ngày cùng Thái hậu Dương Vân Nga ra công diễn các tỉnh phía Bắc, đạo diễn Lưu Chi Lăng nháy mắt tinh nghịch bảo tôi, bây giờ tớ sẽ đưa các cậu ra thủ đô, đến với khán giả cả nước nhé! 
Đêm ấy, giữa không gian sang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, có một hàng khán giả đặc biệt, đó là những chiến sĩ vừa lập công lớn từ các tỉnh biên giới phía Bắc trở về, họ hầu hết còn rất trẻ. Tôi - trong vai thái hậu Dương Vân Nga, từ ngai vàng bước ra sảnh chầu, đi giữa hai hàng khanh tướng đã cất lời: “Lê Hoàn, mới vừa đây khanh chào hỏi Nguyễn Lưu, Trần Đệ, trong khi ta và ba quân lơ là với họ, riêng khanh, lại nhìn vào dân dã, tôn trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với các bậc đại công... thần[vọng cổ]”. Những chữ chuẩn bị xuống hò cuối cùng, tôi quay hẳn người và dang thẳng cánh tay về phía hàng ghế đặc biệt ấy, hơn cả lời tri ân, hơn cả niềm tự hào quốc dân ở một nghệ sĩ. Cả khán phòng đồng loạt đứng lên và chìm trong tiếng vỗ tay không dứt. 
Đó là một khoảnh khắc thiêng liêng trong đời làm nghệ thuật của tôi. 
Cũng trong đêm ấy, khi bà thái hậu dõng dạc tuyên cáo: “Nói cho bọn giặc Tống biết rằng, kẻ vay máu xương sẽ phải trả bằng xương máu, ai thích hỏi giáo gươm sẽ được trả lời bằng gươm giáo”; đâu đó ở hàng ghế của đoàn ngoại giao Trung Quốc, có một vài tiếng lập cập bỏ ghế, đứng dậy rời khỏi khán phòng. 

Năm 1984, trên sàn tập vở Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang), tôi vào vai Lựu, một vai diễn kinh điển của thầy tôi - NSND Phùng Há, sau nhiều ngày vỡ hoang, thoại kịch, xây dựng đường dây kịch bản âm nhạc... má Bảy đột nhiên nói với đạo diễn Huỳnh Nga và tôi, má muốn thay đổi cái kết. Tôi chưa hiểu ý má. Bà nói chậm rãi, như thể bà đã nghiền ngẫm kỹ từ lâu - Ông Trần Hữu Trang viết tuồng này là để chống Tây mà Tây vẫn phải cho diễn nên cái kết bắt buộc cô Lựu phải vào chùa. Nay Tây Mỹ gì cũng không còn, nước mình độc lập, sao lại bắt Lựu vào chùa, sao lại để cô Lựu cúi đầu. Nước mất thì dân chịu cúi đầu. Nay có nước rồi thì dân phải ngẩng cao đầu mà sống chứ...

Đó là suy nghĩ, là thiết kế đường dây để mạn phép soạn giả Trần Hữu Trang thay đổi một tình tiết kết tuồng Đời cô Lựu của thầy tôi; hơn thế là đổi thay một tư thế cho nhân vật, một tư cách công dân của người nghệ sĩ mà chỉ có bà - người sinh ra đúng vào ngày 30/4 - đã chọn cho mình và một thế hệ học trò của mình cái tư cách nghệ sĩ đáng kính. 
Năm 1992, tôi về nước trong kỳ nghỉ hè, gặp đạo diễn Nguyễn Hồng Phúc, ngồi trò chuyện cùng NSND - họa sĩ Lương Đống, để cuối cùng anh em gặp nhau ở Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh. Tôi nhớ, giữa phòng khách của biệt thự ở đường Phạm Ngọc Thạch, tôi diễn ngay trên mặt bàn đá có đường kính 2m, diễn trước những khán giả đầu tiên của vở kịch một người này như Trịnh Công Sơn, họa sĩ Chóe, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, thầy Lê Trí Viễn, Lê Tiến Dũng...

Những lời thoại, ở thời điểm ấy, mang sức nặng ngàn cân: “Những ngày đó, tình dân nghĩa chúa sao mà cao đẹp quá. Còn bây giờ, lẽ nào vinh hoa phú quý đã che mờ hết những ngày gian khổ năm xưa. Trước kia, trong cuộc chiến đấu một mất một còn để giữ gìn đất nước, chúa thượng còn nằm gai nếm mật với dân, chấp nhận hy sinh gian khổ về mình, nên muôn dân dù mất mát, đau thương chết chóc, đói nghèo vẫn bền gan vững chí. Giờ đây chúa thượng thích ăn sung mặc sướng, thích lời ngon ngọt êm tai, trong khi dân vẫn còn đang chịu hàm oan, bất công, lầm than, khổ ải...”.
Những lời gan ruột ấy đâu phải chỉ viết để “mua vui” cho vài trống canh, nó thức tỉnh bên ngoài tấm màn sân khấu về vận nước, về lòng dân. Như trong Bình Tây Đại Nguyên Soái, thầy tôi - NSND Nguyễn Thành Châu đã viết: “Ta đánh giặc không phải vì vua mà giữ nước. Nước của dân, ta giữ nước là vì dân. Trong chiêm bao Đức Quốc Tổ đã ân cần, bảo phải đánh, đánh mới còn, dân khỏi phải kiếp trâu cày ngựa cỡi...”. 
Tất cả đều là sự lựa chọn, lựa chọn một hướng đi và cách sinh tồn, lựa chọn tư thế và cũng là tư cách người nghệ sĩ. Sự ở lại - sau 43 năm, đã không còn định vị ở một không gian nhất định, là Sài Gòn; mà trước hay sau, chỉ có một nơi chốn để bạn dù có ra đi hay ở lại, hay trở về rồi lại ra đi thì bạn mãi mãi thuộc về, là của nơi ấy, nơi thấm đẫm tình dân tộc, vời vợi chuyện nước non... 
 NSND Bạch Tuyết


GỞI BẠN ĐẦU NĂM


Các bạn thân thương của tôi ơi!

Vào Web, thấy ý tưởng được thể hiện của mỗi bạn, tôi đã đọc, đã ngắm, đã cảm tận trái tim mình tấc lòng của cuộc đời thông qua các bạn. Tôi đã không còn dám gọi là các bạn trẻ như mọi khi, bởi vì qua từng dòng chữ chắt chiu, chân thật, chặt chẽ, đầy cảm xúc chân nguyên nhưng cũng vô cùng thanh thái ở từng bài các bạn viết cho nhau. Tôi đọc thấy những trằn trọc ưu tư, những chăm lo cần mẫn. Từ cách nhìn lại mình để đặt mình trong toàn cảnh, cách gom những suy nghĩ, nuôi cảm xúc và rồi viết lại một cách có thể nói là tương đối tròn vẹn những ý tưởng ban sơ thuở tập làm người lớn.




Tôi đọc thấy nơi các bạn sự tự tin, đỉnh đạt của một “tuyên ngôn” chính xác hơn bao giờ hết. Tôi đọc chầm chậm, từng bài, từng dòng rồi từng chữ, tôi nghe thấy tiếng cười bật lên hồn nhiên tự lòng mình, tôi nhận ra những giọt ấm nồng bất ngờ lăn trên má. Cả khóc lẫn cười trong cái khắc thời hạnh phúc rất riêng chợt đưa con người ta về lại thuở nằm nôi, ngáy ngủ lim dim với cái nắng hanh ngày hè ơ ầu tiếng ru của mẹ, để rồi giật dậy tắm mát, dầm mình trong cơn mưa đầu mùa, nghe từng hạt long lanh của nước quyến luyến trên mái tóc non tơ bồng bềnh thời con gái.

TƯỞNG NHỚ NGHỆ SĨ ÚT BẠCH LAN: KHUẤT XA RỒI… MỘT NIỀM VUI NHỎ



Giọng ca của một thời tuổi trẻ tươi đẹp đã vĩnh viễn ra đi. Một tên tuổi lớn của cải lương tuồng cổ vừa yên nghỉ. Ngoài kia, một nghệ sĩ, một diễn viên hài đã tắt nụ cười. Trong này, một danh ca, một sầu nữ thôi không còn phiền muộn…

 
Tôi ngơ ngác giữa những ngày mưa tháng gió. Ở cái tuổi đã an nhiên dọn cho mình một chuyến lưu diễn xa, vậy mà sáng ra, ngước mắt nhìn trời, vẫn quay quắt, vẫn khó tin, vẫn không dễ chấp nhận những cuộc giã từ, những trò chơi sinh tử.

VĨNH BIỆT NGHỆ SĨ NHÂN DÂN THANH TÒNG: MỘT VÌ SAO ĐÃ LẶN…



Nghệ sĩ tồn tại bằng tác phẩm, hẳn nhiên là vậy, họ hiện hữu muôn đời bằng sự sáng tạo trên mỗi thước phim, vai diễn, ca khúc… Nhưng một ngày, mất đi một sự hiện diện, hình kia đã thôi không còn đổ bóng, dẫu trăm ngàn tác phẩm còn lưu danh, vẫn cứ thấy mất mát, hụt hẫng, đau đớn đến vô cùng.


NSND Thanh Tòng đã khiến bao trái tim người thân, đồng nghiệp và công chúng nghẹn ngào, thảng thốt như thế. Hình như Chuông vàng Vọng cổ đang vào mùa, xa hơn, giải Trần Hữu Trang, giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền… lẽ nào, đã vắng bóng ông thật sự, ở cả vai trò giám khảo, cố vấn nghệ thuật hay phụ diễn cho lớp nghệ sĩ cháu con.

ĐÂY, THÀNH PHỐ TÔI YÊU: ĐẤT NÀY ĐÃ HÓA LINH HỒN




 Sài Gòn – TP.HCM hiện hữu như hơi thở, như con đường, như phố xá, bạn chìm đắm trong nó, bạn thụ hưởng mọi thứ thuộc về nó, bạn mặc nhiên như thuộc về nó…

HỒN THIÊNG QUYỆN KHÓI TRẦM HƯƠNG …



Nghệ thuật góp phần thanh lộc tâm hồn con người, để con người sống tốt hơn, đẹp hơn, có ích hơn. Nghệ thuật cũng góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần sẵn sàng ra trận để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với người nghệ sĩ đó là vinh quang tột bậc. 

1. Thời chiến tranh, những gánh hát cải lương trôi nổi bềnh bồng theo dòng sống vui khổ, hoạn nạn, bất an, chết chóc, đói nghèo … Cứ tưởng như trong những tháng ngày gian nan đó cái gì cũng vừa vừa phải phải, phiên phiến thôi, nhưng làm sao có thể hình dung đám trẻ chúng tôi được học nghề hết sức chu đáo từ những bậc nghệ nhân yêu nước với nhân cách cao vợi, âm thầm lặng lẽ theo dõi chúng tôi trong cuộc sống. Không chỉ học nghề mà quan trọng hơn, giá trị hơn gấp ngàn lần, đó là chúng tôi được học cách ăn ở, cách hành xử, cách sống của “người Việt tử tế” hình thành bao đời, từ các bậc thầy Nguyễn Thành Châu (NSND Năm Châu), Má Bảy Phùng Há (NSND Phùng Há), Cô Hai Kim Cúc, soạn giả Điêu Huyền, đạo diễn Tiêu Xái, nhà báo Thanh Tâm – Trần Tấn Quốc (người chủ xuớng giải thưởng Thanh Tâm). Và còn bao nhiêu con người tài hoa, tốt đẹp chịu thương chịu khó cầm tay dẫn dắt chúng tôi, quan sát, theo dõi những tiến bộ trong nghề, trên sân khấu cũng như cách cư xử giữa các đồng nghiệp trong hậu trường, với công chúng khán giả. Niềm hạnh phúc được quan tâm, dạy dỗ sâu sắt của các bậc tiền bối khiến chúng tôi háo hức, phấn khởi khi được cổ vũ, khi thành công cũng như lo lắng, ưu tư khi phát hiện những màng diễn mình còn khiếm khuyết.

“THẦN TƯỢNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG”



BÁO SÂN KHẤU 1270 (21.12.2015): 
CHÚC MỪNG SINH NHẬT CẢI LƯƠNG CHI BẢO BẠCH TUYẾT 24.12:
“THẦN TƯỢNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG”
  

1. 10 giờ tối, đêm cuối tuần. Tôi một mình "bầu bạn" cùng chiếc ti-vi. Đêm nhẹ nhàng rồi bất chợt sự háo hức, chờ mong quyện cùng không gian, đánh thức cả thời gian đưa tôi về nguồn cội trong chương trình "Sân khấu về khuya".

NSND BẠCH TUYẾT: "ÔNG KHÊ ĐẾN VÀ ĐI, VÀ LÀM VIỆC ĐỀU NHẸ NHÀNG"



TP – Người như ông Trần Văn Khê ai cũng kính trọng, nhân tài của đất nước. Nhưng cái tài không quan trọng bằng tấm lòng và cách suy nghĩ của ông về trách nhiệm đối với dân tộc.