"HOÀNG ĐẾ ĐĨA NHỰA" TẤN TÀI




Anh sinh ra từ dòng kênh Thoại Hà, cất tiếng khóc chào đời giữa lòng núi Sập - trái núi lớn nhất nằm trong cụm núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có dáng hình như con thỏ, trải dài theo những cánh đồng bát ngát… Núi không cao, sông không sâu nhưng đủ dưỡng nuôi cho anh một chất giọng ngọt ngào, nồng ấm, nhẹ tênh… Anh là nghệ sĩ (NS) Tấn Tài - "Hoàng đế đĩa nhựa" của sân khấu ca kịch cải lương.


Năm 1963, hai năm sau ngày đặt chân lên sàn diễn, tôi vinh dự được nhận giải triển vọng Thanh Tâm, cùng anh - đã là một thần tượng của bao khán giả mộ điệu. Đêm trao giải, Ban tổ chức quyết định chọn vở Khói sóng tiêu tương của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng để trình diễn. Khỏi phải nói về cái cảm giác vừa tự hào vừa… run rẩy bởi những cô cậu diễn viên tuổi mới mười tám đôi mươi – như tôi và anh lại được sánh cùng những ngôi sao lớn. Đó là chưa kể, tôi vào vai nữ chính Vương Thúy Mai bên cạnh vai nam chính tráng sĩ Hoàng Hoa Lữ của Tấn Tài. Làm bệ phóng cho chúng tôi lại là NS Hoàng Giang, NS Thanh Nga. Cả tháng trời chúng tôi tập dợt không ngơi nghỉ. Đêm trình diễn, những chú chim được cất cánh. Đó mãi là khoảnh khắc không bao giờ có được, choáng ngợp, nhẹ tênh và mình như không còn là mình nữa.  

Không nồng nhiệt và hừng hực như Hùng Cường; chẳng điệu đàng, thanh tú như Minh Cảnh, NS Tấn Tài hồn nhiên tỏa sáng với chất giọng ngọt ngào, nhẹ bổng “trời cho” của anh. Đáng quý hơn nữa là anh biết cách khai thác để đạt đến độ hoàn mỹ cái vẻ đẹp tự nhiên ấy bằng vốn hiểu biết khá rộng của một người thầy giáo, cứ thế vào sâu với nghề. Anh từng là một thầy giáo trước khi làm NS. Cái chất mô phạm khiến anh, ngay cả khi đã thành danh ca lẫy lừng, vẫn khiêm cung, từ tốn, chuẩn mực trong cả nghệ thuật lẫn đời thường.  

Mới đây, trong lần tái ngộ sau gần 40 năm, tôi và anh lại sánh vai trong Tiếu ngạo giang hồ. “Doanh Doanh ơi! Đừng nói tiếng yêu đương với một hình hài tiều tụy, nắng đã ngã về tây thì đừng nhặt tia nắng rụng mà tạo bình minh cho phí công… trình. Trăng cuối tháng trăng về non lạnh, vạn vì sao không thể gợi hình…”. Tôi vẫn lịm người như thuở nào bởi thời gian như bất lực trước những thanh âm của núi Sập. Tôi la lên giữa sàn tập, trời ơi, mấy mươi năm rồi mà anh vẫn ca thần sầu vậy là sao… Anh cười, hiền lành, chất phác, nhờ Tổ nghiệp thương đó Bạch Tuyết ơi…  

Năm 1964, sau khi đoạt giải Thanh Tâm, Tấn Tài rời Thủ Đô về Dạ Lý Hương cùng tôi. Đó cũng là thời điểm anh cất cánh với độ phủ sóng dày đặc các hãng đĩa danh tiếng như hãng đĩa Việt Nam, Hoa Hồng, Continental, Việt Hải… đưa anh lên ngôi vị “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài. Một sự tiếp nối Minh Cảnh từ Tấn Tài đầy ngoạn mục và xứng đáng.  

Trên sân khấu, anh và tôi gắn bó qua những vở tuồng kiếm hiệp như Vô Kỵ - Triệu Minh, Võ Tòng sát tẩu… Còn nhớ trong Cô gái Đồ Long có đoạn “Nghĩa phụ ơi, người ta đã rạch nát mặt Hân Ly và xẻo tai Chu Chỉ Nhược, còn Đồ Long đao và kiếm Ỷ Thiên đã theo nàng quận chúa nhà Nguyên mà rời khỏi đảo Linh…Xà”. Đây là một câu vọng cổ rất “khó nuốt” chứ chưa nói là “nuốt” sao cho lọt và ngọt. Ca từ toàn danh từ riêng, lại là những động từ gây… cảm giác mạnh như xẻo tai, rạch mặt… Vậy mà qua làn hơi nhẹ bổng, độ luyến láy như không, Tấn Tài đã hóa giải mọi kỹ thuật đánh đố trong bút lực của Hà Triều – Hoa Phượng.  

Báo chí thời đó đưa tin, năm 1961 bầu Thành của đoàn Song Kiều ký với Tấn Tài một hợp đồng trị giá 100.000đ. Ngay lập tức, Tấn Tài thối lại cho bầu Sinh Tân Hương 60.000đ vì anh chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, còn 40.000đ anh chia làm đôi, gửi về cho cha mẹ và vợ ở quê nhà. Hay như đêm trao giải Thanh Tâm, anh sắp cho bằng được cha mẹ ruột và cha mẹ vợ ngồi ngay hàng ghế danh dự. Hai ông thầy dạy ca cho anh từ thuở lọt lòng là Hai Tỉnh và Út Thôi cùng bà con ở xã Vĩnh Trạch, núi Sập cũng được anh trân trọng đón lên Sài Gòn xem hát. Cái hiếu thảo, tận tình tận nghĩa của anh cũng tự nhiên, chẳng cần mài giũa, như chính giọng ca của anh. Đêm hát ấy, bà con núi Sập xúc động, tự hào về người thầy giáo làng đức độ, tài năng của họ… Còn anh, như đã trả được phần nào món nợ ân tình với người thân, thầy dạy và quê nhà.  

Cũng có những thời kỳ anh lâm cảnh ngặt, khi đoàn hát của anh và người vợ thứ hai là NS Như Ngọc vướng nợ nần do gánh hát mới lập, chưa có kinh nghiệm điều hành. Từ đại bang Dạ Lý Hương, tôi xin phép ông bầu Xuân về với anh chị một năm. Một năm, đúng ra là vào mùa mưa ở Nam bộ, chúng tôi rong ruổi ở miền Trung, vậy mà trả hết nợ, gầy dựng trở lại cơ nghiệp. Cái tình trên sân khấu cộng thêm cái nghĩa của những người đồng sự giúp nhau giữa cơn khốn khó, anh cứ hàm ơn tôi mãi chuyện này. Riêng tôi, cũng nhẹ đi một phần bởi những gì anh chăm sóc, chỉ vẽ ân cần trong mỗi câu ca, cách diễn ở những vở tuồng tôi đóng chung cùng anh, giờ tôi đã có thể làm được một việc gì đó cho anh, thay lời cảm ơn. Bài học vỡ lòng mà cha tôi dạy, má Bảy và ba Năm dạy là sự biết ơn, tôi đã được học và hành từ chính anh.  

NSƯT Bạch Tuyết

Không có nhận xét nào: