1. Đèn vụt tắt. Tia sáng hiếm hoi
hắt ra từ chiếc đèn pin mini dẫn tôi lách qua dãy màn nhung màu đen thẫm. Bóng
đêm đặc quách. Âm nhạc trỗi lên, bao trùm cả bốn mặt sân sấu. “…Ai chết, không
lẽ là Người? Nhưng nếu không phải là Người thì ai? Đúng là Người rồi…Đinh
lang!…” (Vở Hoàng hậu của hai vua - Lê Duy Hanh).
Cánh màn kéo vụt. Bóng bà thái hậu
lặng trang giữa chiếc bục tròn. Hai chiếc đỉnh đồng tượng trưng cho hai triều
đại Đinh – Lê lơ lửng… Chiếc khăn tang trên vai người thiếu phụ bỗng hóa thành
gánh nặng giang san.
“ Tiên vương ơi, Người ra đi để lại…
Thiếp phận đàn bà phải một mình chèo chống giữa trùng khơi. Ánh nến buồn từng
giọt lệ rơi rơi. Như dải khăn tang theo khúc đưa linh chiêu hồn tử sĩ…”
Tiếng nói lối trải dài trên nền nhạc
tráng ca, bi thiết. Tôi – như một phản xạ – quay mình nương theo âm nhạc. Bất
giác. Một bóng người dội lên trên vách tường. Một cái đầu đang cắm cúi. Một bàn
tay thoăn thoắt. Này là chiếc organ đảm nhận chức năng điều phối tổng thể âm
nhạc của vở diễn; này là chiếc guitar phím lõm vắt qua người với những nốt bổng
trầm thăng giáng; bên cạnh là cây đàn tranh và cả tiếng sáo tiêu dìu dặt cho
những thanh âm cô độc, tinh khôi. Không ai khác ngoài Thanh Hải – một nhạc
trưởng tài hoa, một “ nhiếp chính “ đầy bản lĩnh và bản sắc cho những chuyến
độc hành thử nghiệm của chúng tôi – kể từ năm 1997.
Không phải đợi đến khi bắt tay cùng
làm cải lương thử nghiệm chúng tôi mới khám phá lẫn nhau mà ngay từ “ chuyến
lưu diễn lịch sử “ năm 1984 vòng quanh bảy nước Châu Âu, tôi và nhạc sĩ Thanh
Hải đã giữ mãi một kỷ niệm bất tận. Ấy là khi hai chị em ngồi “ lăn tăn “ cho
tình cảnh mẹ con cô Lựu – Võ Minh Luân gặp nhau. Tình mẹ con, lẽ trái ngang, sự
bẽ bàng, đủ cả. Nhưng đoạn nói lối của Lựu “ dọn đường “ cho Võ Minh Luân vô
vọng cổ lại quá dài. Hơn nữa, đó là những lời nói nghịch cảnh, chua chát,
thương con mà cũng thương cho cả phận mình. Tôi âm ỉ rồi ư ử trong cổ họng. Chỉ
có thế thôi, Thanh Hải như đọc hết mọi suy nghĩ, mọi tưởng tưởng của tôi. Mười
lăm phút cho một bài ca mới ra đời, dựa trên Bản Oán, hơi Ai. Và mãi đến bây
giờ, chúng tôi vẫn chưa đặt tên cho bài ca ấy mặc dù nó đã đi vào tâm hồn của
bao khán giả : “ Nhưng ai có ngờ đâu. Màn chăn xưa bụi úa khói vàng. Thềm rêu
phủ giăng sương lạnh…”
Tiếng vỗ tay rào lên bốn mặt sân
khấu. Sàn diễn của sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần như rung lên. Tôi chìa cánh tay
hướng về phía góc sâu sân khấu. Nhạc sĩ – NSƯT Thanh Hải cúi đầu chào khán giả.
Rồi anh lặng lẽ xuống dây đàn. Tôi nao lòng hai chữ biết ơn. Nếu không có cái
góc khuất kia với thế giới âm nhạc vang lên từ đó thì mọi sự đăng quang, thiết triều
của bà thái hậu cũng trở nên lạnh lẽo, khô khốc. Giá như có thể chia đôi, chia
ba cái phần thưởng từ những tràng vỗ tay kia thì nghệ sĩ biểu diễn chúng tôi
xin nhận phần nhỏ bé nhất, còn lại xin được dâng tặng cho biết bao con người ở
ngay sau chiếc màn nhung kia, ở sát dưới những chân đèn nóng bức nọ… Họ – những
nghệ sĩ không được hưởng trực tiếp vầng hào quang.
2. Đêm chung kết xếp hạng Chuông
vàng vọng cổ 2011, chỉ đến khi Nguyễn Văn Mẹo, Phùng Ngọc Bảy, Nguyễn Thị Diễm
Kiều đăng quang, tôi mới nói nhỏ với ông chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, tác giả
Lê Duy Hạnh, “ Tụi nhỏ xứng đáng quá, Hạnh à!”. Gương mặt khó đăm đăm của ông
tác giả bỗng giãn ra, ngạc nhiên…
Xứng đáng không chỉ vì sự nỗ lực tự
thân của các bạn mà xứng đáng với những giọt mồ hôi đã đổ xuống của các thầy,
các cô ở lớp K30, trung cấp cải lương, Trường Cao đẳng Văn hóa Tp. HCM và Nhà
hát cải lương Trần Hữu Trang. Tôi đánh mắt tìm quanh, rồi lại nhìn thẳng vào
ống kính đang quay về phía mình. Chẳng biết Huỳnh Mai – Tuấn Phương đi đâu hay
đang xem qua màn ảnh nhỏ. Tôi muốn cả hai vợ chồng tận mắt những đứa học trò
của mình đêm nay…
Khuya thứ Ba, tôi nhận tin từ học
trò “ Thầy Tuấn Phương nhập viện rồi, cô ơi! Con nghe nói thầy yếu lắm”. Tôi
gọi Huỳnh Mai, giọng Mai đang cố gắng bình tĩnh bảo “ Không sao đâu, chị Ba ơi!
Tại ảnh đau quá nên em không dám cho ảnh ở nhà…”. Tôi bỗng trở nên… ích kỷ : “
Em nói với Tuấn Phương nó phải khỏe; không có nó, chị Ba trả lớp…!”.
Chẳng biết Tuấn Phương sợ tôi nghỉ
dạy hay vì Phương quá nặng lòng với học trò nên một tháng sau nó đã lê bước qua
mấy chục bậc tam cấp, có mặt ngay giờ học kỹ thuật biểu diễn của K30. Tiếng vỗ
tay chen lẫn tiếng sụt sùi…
Hiếm có một nghệ sĩ nào hiểu biết và
tài hoa như Tuấn Phương. Anh nghiêm cẩn và chính xác trong từng cự ly sân khấu;
anh bay bổng mà chắc chắn trong mỗi nhịp ca. Tôi ngồi ngắm Tuấn Phương truyền
đạt cho học trò mà da diết nhớ cô Hai Kim Cúc ( bạn đời của NSND Nguyễn Thành
Châu ), nhớ chú Tám Vân và nghĩ đến nghệ sĩ Trường Sơn. Họ là những bậc thầy
của nghiệp truyền nghề. Không có họ, mọi sự luyến láy, thăng hoa của chúng tôi
như hụt chân.
Một nhạc sĩ “ khổng lồ “ như Thanh
Hải khi bước vào K30 lại một tay cầm đàn, một tay ngồi gõ và đếm nhịp để “ trị
“ căn bệnh ca không dính đờn, ca trật nhịp, ca chênh dây của học trò. Hay một
Thanh Lựu cứ miệt mài, cứ tận tụy ngày lẫn đêm truyền hết những miếng nghề, vũ
đạo, trình thức như ngày xưa Lựu đã từng được cô Bảy Phùng Há cầm tay chỉ giáo.
Học trò vui buồn, gọi cô Huỳnh Mai.
Học trò ốm đau, có cô Huỳnh Mai… Người phụ nữ mạnh mẽ, xông xáo, tận tình, quày
quả đi đóng phim để có tiền lại tất bật quay về mỗi khi sân khấu cầu cứu. Chưa
một lần tôi nghe tiếng thở hắt từ người phụ nữ ấy. Mai can trường và tự trọng
với nghề, với cuộc sống một cách khủng khiếp!
Cậu học trò hiền như cục đất Nguyễn
Văn Mẹo đã sáng bừng ở cuộc thi. Và khôi nguyên của Chuông vàng vọng cổ 2011
Nguyễn Văn Mẹo lại trở về là học trò của K30, lại ngồi im lặng một chỗ, ai chọc
gì cũng cười cười. Thanh Hải, Tuấn Phương – Huỳnh Mai, Thanh Lựu, và…tôi vẫn
ngày ngày leo qua cái cầu thang tối ấy. Để một ngày, bước ra vùng hào quang,
chúng tôi vẫn tin rằng có quá nhiều sự tốt đẹp, sự tận tâm đang bảo bọc quanh
mình…
Chúc nhau điều tốt đẹp mãi đến, chúc
nhau sự biết ơn với mình, với người và với cả cuộc đời….
NSƯT BẠCH TUYẾT - Báo Pháp Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét