Nghệ thuật góp phần thanh lộc tâm
hồn con người, để con người sống tốt hơn, đẹp hơn, có ích hơn. Nghệ thuật cũng
góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần sẵn sàng ra trận để bảo vệ chủ
quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với người nghệ sĩ đó là vinh quang tột bậc.
1. Thời chiến tranh, những gánh hát
cải lương trôi nổi bềnh bồng theo dòng sống vui khổ, hoạn nạn, bất an, chết
chóc, đói nghèo … Cứ tưởng như trong những tháng ngày gian nan đó cái gì cũng
vừa vừa phải phải, phiên phiến thôi, nhưng làm sao có thể hình dung đám trẻ
chúng tôi được học nghề hết sức chu đáo từ những bậc nghệ nhân yêu nước với
nhân cách cao vợi, âm thầm lặng lẽ theo dõi chúng tôi trong cuộc sống. Không
chỉ học nghề mà quan trọng hơn, giá trị hơn gấp ngàn lần, đó là chúng tôi được
học cách ăn ở, cách hành xử, cách sống của “người Việt tử tế” hình thành bao
đời, từ các bậc thầy Nguyễn Thành Châu (NSND Năm Châu), Má Bảy Phùng Há (NSND
Phùng Há), Cô Hai Kim Cúc, soạn giả Điêu Huyền, đạo diễn Tiêu Xái, nhà báo
Thanh Tâm – Trần Tấn Quốc (người chủ xuớng giải thưởng Thanh Tâm). Và còn bao
nhiêu con người tài hoa, tốt đẹp chịu thương chịu khó cầm tay dẫn dắt chúng
tôi, quan sát, theo dõi những tiến bộ trong nghề, trên sân khấu cũng như cách
cư xử giữa các đồng nghiệp trong hậu trường, với công chúng khán giả. Niềm hạnh
phúc được quan tâm, dạy dỗ sâu sắt của các bậc tiền bối khiến chúng tôi háo
hức, phấn khởi khi được cổ vũ, khi thành công cũng như lo lắng, ưu tư khi phát
hiện những màng diễn mình còn khiếm khuyết.
2. Đành rằng nghệ sĩ là phải có năng
khiếu, có giọng ca trời phú, tâm hồn nhạy cảm nhưng nếu thiếu kỹ thuật thì
không thể thành tài. Muốn ca hay, nghệ sĩ cải lương phải biết với bài Bắc phải
vào giọng như thế nào, bài Nam, bản Oán cần phải ngân nga nhấn nhá thế nào.
Muốn diễn tốt phải học tuồng cho thuộc, đọc đi đọc lại nhiều lần cho hiểu, phân
tích được tâm lý, hành động của nhân vật, phục trang như thế nào cho phù hợp.
Mỗi đợt tập dợt vở mới
có khi kéo dài hàng tháng, diễn viên được các tác giả, các vị thầy “đo ni đóng
giầy”, chăm chút từng động tác, kết hợp với âm nhạc, cách diễn, cách ca, cách
hòa quyện, gắn bó với nhân vật, với bạn diễn, sao cho hài hòa trên cái nền tổng
thể các bộ môn thi, ca, vũ, nhạc, kịch … mà nghệ thuật sân khấu cải lương yêu
cầu. Thầy tuồng là linh hồn của sàn tập. Nhờ đó, cứ mỗi vở tuồng mới khai
trương đều có may mắn dành được sự chú ý, chờ đợi, háo hức, được đánh giá cao
bởi số đông khán giả đến rạp hát, cũng như sự chú ý, quan tâm khen ngợi của
giới phê bình nghệ thuật tầm cỡ. Riêng với nghệ sĩ, nhận được giải Thanh Tâm,
đó như là cái móc, là ngày hội lớn khẳng định tên tuổi, danh vị, thù lao và
“công tra” của mỗi người đương nhiên được bầu gánh hậu đãi gấp bội. Khi sân
khấu được tổ chức một cách kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, người làm nghề cẩn thận,
tôn trọng khán giả, tuồng tích hay, nội dung giá trị, bài bản cải lương đặt để
đúng chỗ, kết hợp ăn ý, mang lợi ích người xem, thích hợp với thời đại, nghệ sĩ
nghiêm túc siêng năng tập dượt, sáng tạo … thì không khí đêm diễn sẽ tràn đầy
cảm xúc. Những tháng ngày đó, đêm đêm khán giả yêu cải lương đến phòng vé hỏi
“Tối nay có nghệ sĩ XYZ biểu diễn không?” Câu hỏi ngắn đầy ý nghĩa, gói gọn
những yêu thương, ái mộ, tin tưởng vào một nghệ sĩ nào đó bằng giọng ca, nét
diễn đã đi vào tâm hồn người thưởng ngoạn, đã sống và làm việc bằng cả tấm lòng
với nghề. Sao có thể quên những tên tuổi: “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn, “Hoàng
đế đĩa nhựa” Tấn Tài, “Nữ hoàng sầu muộn, đệ nhất đào thương” Út Bạch Lan,
“Giọng ca nhung căng lụa trải” Ngọc Giàu … Cách điều hành các đoàn hát lúc bấy
giờ tạo không khí đoàn kết, mọi người coi nhau như người một nhà nên luôn quan
tâm giúp đỡ, chia sẽ chuyện buồn vui bên nhau. Dịp Tết đến ai cũng nôn nao, vừa
tập tuồng, lo trang phục rồi lại mỗi người một việc, góp tay sắm sửa mọi thứ
chỉn chu hơn cho bản thân, cho đoàn hát. Đêm giao thừa mọi người trong đoàn hát
cùng nhau cúng bái. Ông từ là người chuyên chăm sóc, quét dọn bàn thờ tổ, đến
giờ ông lên đèn, gióng chuông trống, các nhạc sĩ, tài tử bấm phím so dây, nghệ
sĩ cất giọng cùng nhau hòa chung những bài lễ dâng lên tổ nghiệp. Thời gian
trôi, bao đổi thay dâu biển. Bây giờ mỗi người một phương, ai cũng có tuổi, có
gia đình riêng.
3. Đã gần 40 năm nhưng tôi vẫn còn
nguyên xúc cảm của công dân – nghệ sĩ khi biểu diễn trên sân khấu vai Thái hậu
Dương Vân Nga vào thời điểm 1979:
Tôi! Dương Vân Nga, xin tế cáo cùng
hoàng thiên hậu thổ
Cùng anh linh các đấng Tiên vương
Có phải chăng hồn thiêng sông núi
đang quyện khói trầm hương
Xin chứng cho hơi thở của Dương Vân
Nga
Đang hòa cùng hơi thở chung của trăm
họ
Đôi tay tôi, thay cho triệu cánh tay
người đã làm nên lịch sử
Nâng long bào Tiên đế như nâng gánh
nặng sơn hà
Đây là quyền tự chủ, là niềm khát
khao lạc nghiệp âu ca
Là nghiệp cả của Tiên vương mà nghìn
xưa vừa rửa thẹn
Để trời Nam rực rỡ ánh minh châu
Để chứng minh hào kiệt giống Tiên –
Rồng,
Đời đời bất khuất!
(Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên tác:
Trúc Đường, soạn giả: Hoa Phượng – Hoàng Việt)
Vai diễn Dương Vân Nga
đã cho tôi nhiều kỷ niệm, cảm xúc không thể nào quên. Tôi nhớ như in, buổi biểu
diễn phục vụ lãnh sự quán các nước tại Hà Nội cùng với hơn 100 chiến sĩ vừa
chiến thắng trở về từ biên giới phía Bắc. Tôi vô câu vọng cổ: “Lê Hoàn, vừa mới
đây khanh đã chào hỏi Nguyễn Lưu, Trần Đệ, trong khi ta cùng bá quan lơ là với
họ. Riêng khanh nhìn vào dân dã, tôn trọng những chiến sĩ vô danh ngang với các
bậc đại công … thần.” Cả trăm chiến sĩ cùng đứng lên. Tiếng vỗ tay dưới khán
phòng kéo dài không dứt … và tôi đã khóc ngay trên sân khấu khi chứng kiến
những người chiến sĩ chân trần, nhưng tràn đầy khí phách, quả cảm. Mới đây
thôi, cũng trong chuyến lưu diễn phục vụ khán giả Hà Nội, lớp diễn chưa đầy 20
phút của trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga đã được khán giả vỗ tay đến sáu lần.
Tôi cảm nhận khán giả vỗ tay không chỉ cho nghệ sĩ chúng tôi mà vì từng lời
thoại của nhân vật cũng chính là tâm can của người dân muốn gửi đến những kẻ
đang lăm le, hung hãn dòm ngó nước ta. Điều rất đặc biệt của những vở tuồng
lịch sử Việt Nam là không chỉ giúp nhiều thế hệ người Việt hiểu và tự hào về lịch
sử của dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, mà những câu chuyện của
tuồng lịch sử còn là bài học cho những kẻ xâm lược đã từng thất bại trong quá
khứ.
4. Có ký giả nhận xét đi coi hát vào
mỗi buổi tối là thói quen của người Sài Gòn mà giờ không còn thấy nữa. Khán giả
thời trước có những cốt cách văn hóa đủ sức làm nên sự riêng biệt cho phong
thái thưởng lãm thị dân. Tôi nhớ sự trân trọng trang nghiêm, sâu lắng, nhẹ
nhàng khi thưởng ngoạn cải lương thập niên 1960. Những ngày tháng chiến tranh, tôi
bắt gặp người phụ nữ đi ăn xin ở Huế vẫn mặc chiếc áo dài dân tộc, cho dù có
nhiều miếng vá trên áo. Thương biết bao hình ảnh nói lên sự tự trọng của cả dân
tộc “nghèo cho sạch, rách cho thơm.”
Có câu “Sân khấu nào khán giả nấy.”
Nếu sân khấu gọn gàng khán giả cùng gọn gàng, bằng như luộm thuộm không thể đòi
hỏi người xem không luộm thuộm. Điều tôi luôn mong ước là được nhìn thấy những
“thánh đường” dành cho ca, kịch dân tộc như: chèo, tuồng, cải lương … có những
nhà hát xây đúng đặc thù để hình thành những nền tảng, điều kiện thuận lợi cho
văn hóa dân tộc phát huy, phát triển hài hòa với các loại hình khác. Ngày nay,
chúng ta có nhiều hội trường để hội họp nhưng thiếu hẳn những nhà hát chuyên
nghiệp dành cho nghệ thuật dân tộc, nơi biểu diễn, đào tạo học thuật, lý luận,
kỹ năng thực hành từ gốc tới ngọn. Tôi nhớ hoài một câu của Thái hậu Dương Vân
Nga, khi bà thuyết phục Lê Hoàn để trao long bào: “Hiền khanh là linh hồn của
ba quân tướng sĩ, xứng đáng là người nối nghiệp các Tiên vương. Nếu khanh đường
hoàng ngự trên chín bệ, ta và ấu quân sẽ an lòng sống với cuộc đời lặng lẽ của
một kẻ thứ dân. Ta sẽ dạy con ta rằng, giang sơn là của chung trăm họ! Người
anh hùng hào kiệt không thể dùng ánh mắt riêng tư để nhìn chuyện muôn nhà.”
Những câu thoại mang đầy tính quy luật như vậy, cho dẫu làm người, làm quan,
làm chúa hay làm tôi đều cần phải học. Chúng ta dù có giỏi như thế nào đi nữa
thì cũng đừng quên hãy sống tử tế như những người bình thường chung quanh ta.
5. “Nhìn để thấy, nghe để nhớ, và
làm thì mới biết – Ba Năm Châu từng dạy chúng tôi – Làm nghệ thuật trước hết
phải học cách nhìn thế giới cũng như nhìn chính mình một cách chân thật, kế đó
là nghe một cách chân thật, từ đó mới có điều kiện làm nghệ thuật một cách chân
thật.” Khi được dạy để nhìn đất nước ngày đó lầm than trong ách nô lệ, nghe
người dân lúc bấy giờ bị bọn giặc đày đọa thống khổ, ức oan … chúng tôi tự hỏi
mình cần phải làm điều gì đó để giúp nước, giúp đời, để thay đổi vận mệnh chính
mình; thông qua nghệ thuật cải lương dân tộc mang lợi ích cho bản thân, con
người và xã hội.
Khi mọi xuất phát đều chính đáng,
chân xác, thì cái Thật – Đẹp tự nhiên hiển diện.
NSND – TS Bạch Tuyết
Báo Người Đô
Thị (Xuân Bính Thân 2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét