Chẳng biết nghiệp ca cầm có vận sớm
vào mình hay không mà những khoảnh khắc vui buồn trong đời tôi đều đọng lại
trên những nẻo đường vạn dặm. Và cũng chẳng biết tôi có được diễm phúc như thầy
tôi – NSND Phùng Há – giây phút nằm xuống, bà thiêm thiếp trên chuyến xe về lại
chùa Nghệ sĩ, như thể một chuyến lưu diễn đời người …- NSND BẠCH TUYẾT
1. 8 giờ tối, mồng 6 tết, gió xuân
lành lạnh. Bàn chân, ngón chân của đứa con gái tám tuổi đầu cứ bám chặt dưới
mặt đường, hổn hểnh chạy theo cái bóng chị Hai, cạnh bên là thằng con bà Sáu
nhà hàng xóm. Nó không buồn giận tôi bởi cú song phi trước đó mấy phút, hình
như nó biết điều gì đang chờ đợi hai chị em tôi nên cứ lầm lũi chạy theo sau.
Con đường Trần Hưng Đạo mọi ngày
thênh thang, lồng lộng, sao hôm nay xơ xác, buồn thiu. Tôi cảm giác bàn chân
mình đang ran rát, càng chạy càng đau, đau đến thốn tim. Tôi không nhớ phải
băng qua mấy ngã tư đèn xanh đỏ. Chỉ biết khi đang dò dẫm dọc theo hành lang
của nhà thương Sài Gòn, bất ngờ có bàn tay người lớn nào đó đẩy mạnh hai chị em
tôi qua cánh cửa màu vàng nhạt ; căn phòng trắng toát, những cái giường trắng
toát ; có tiếng ai đó nói, vô cho má bây nhìn lần cuối… Tôi vốn yêu màu trắng,
vậy mà lần đầu cảm thấy … sợ, bởi nó lạnh và hoang vu. Tôi quờ quạng ánh mắt
tìm má…
Mãi mười mấy năm sau, vào một đêm đi
hát về, bải hoải, chán chường, tôi chạy xe chầm chậm dọc theo những con phố Sài
Gòn và tận mắt chứng kiến cảnh một cô gái bán hoa bị khách quỵt tiền, dí đánh.
Tôi quay về nhà trong trạng thái bất lực và uể oải trong cảm giác “làm biếng
sống”. Tôi muốn dừng lại. Nằm vặt ra giường, chiếc dao lam bé tẹo nằm lẫn trong
mớ đồ trang sức, phụ kiện, tôi cứ thế hí hoáy với “trò chơi” sinh sinh tử tử.
Một chị bạn cả mười năm không gặp, bất ngờ từ Vũng Tàu về Sài Gòn thăm tôi, ghé
qua nhà, cứ thế, chị thốc ôm tôi đưa vào nhà thương Sài Gòn. Tôi nằm ngay căn
phòng và cái giường của má. Ba tôi cuống cuồng vào. Ông không nói gì, chỉ ánh
mắt đang hỏi : “Sao con làm vậy hả con?”. Tôi chìm vào giấc ngủ mồ côi…
Sau đám tang má, chiều nào hai chị
em tôi cũng dẫn bộ từ nhà ở đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ – Q. 5)
qua đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ – Q. 3) rồi cứ thế mà xuống
tới ngã năm chuồng chó, Ngã ba cây thị, nơi má tôi nằm đó. Không tấp nập phố xá
như bây giờ, hồi đó, đường lên Ngã năm chuồng chó đầy lau sậy, bãi hoang. Lên
tới nơi, hai chị em ngồi cạnh má… khóc, rồi lại lặn lội đi bộ về nhà. Trời tối
ôm, có hôm mưa dầm, tiếng xình xịch của chuyến tàu đang về ga Hòa Hưng, ngang
qua Gò Vấp không quên kéo tiếng còi lạnh buốt, tiếng xe ngựa thồ lóc cóc gõ
xuống mặt đường… Tôi ước chi trời mau sáng.
Má mất, ba đi theo xe hàng khắp vùng
Lào, CQuote2ampuchia, cả tháng mới về một lần, hai chị em không tìm thấy hơi ấm
trong ngôi nhà cũ với má… mới nên đường sá trở thành điểm… khám phá của tôi.
Tôi thích đi, đi miết; ngang ngôi nhà nào đẹp, tôi đi chậm lại, ngấm nghía. Có
khi cả một gia đình đang quây quần bữa cơm chiều; có khi hai ông bà già ngồi
vắt cửa chờ con… Tôi không thấy có mình trong đó.
Rồi ba về, quyết định mở garage ở
nhà, ông đưa tôi vào học trường nội trú dù trường không xa nhà mấy. Những buổi
chiều cuối tuần không ai đến đón, tôi một mình đi bộ về nhà. Lạ là lúc này tôi
chẳng còn hứng thú ngắm nghía nhà ai cả, mà cắm cúi đi một mạch. Tôi sợ người
ta thấy tôi cứ lủi thủi lớn lên một mình, mặc dù tôi thích và chấp nhận nó từ
ngày má ra đi.
Khi đã thành danh, hoặc là tôi mua
nhà hoặc là thuê nhà trên mọi nẻo đường mà tuổi thơ tôi từng đi qua. Mặc dù tôi
đã quy tập mộ phần má về chùa Tây An, Châu Đốc để nằm cạnh… bà sui gia (bà nội
của con trai tôi) nhưng tròn mười năm, nhà tôi ở đường Lê Lợi, ngày nào tôi
cũng đi lại những con đường ngày xưa. Nhưng chẳng tìm đâu ra một khoảnh đất
trống. Nhà cửa san sát hai bên đường, siêu thị nhà hàng chen chúc. Người và xe
lúc nào cũng dính chặt. Đông đúc hơn, bình an hơn mà cũng… quạnh vắng hơn.
2. Nhà tôi bây giờ ở quận 9, tứ bề
cây xanh, gió lồng lộng, ngày ngày nước đổ từ sông Đồng Nai vào rạch Ông Từ,
len qua mương tắm tưới cho cây lá. Khoảng chừng một năm trước khi mất, chồng cũ
của tôi, anh Phạm Huỳnh Tam Lang có nhờ đứa cháu đưa lên nhà thăm tôi. Ngày
trước, tôi và anh từng sống ở cư xá Kiến Thiết, Thủ Đức, ngay bên hông quận 9.
Lối xưa, người cũ, mấy lời thăm hỏi, lo lắng. Ai dè là lời chào từ biệt…
Những đêm hát về muộn, xe chen qua
dòng người đi … chơi đêm, chỉ cần nhích khỏi cái nút vòng xoay Điện Biên Phủ là
đã bon bon trên hai cây cầu vượt thép. Những tòa nhà đang hoàn thiện. Những tòa
nhà lập lòe ánh đèn, báo hiệu dân cư mới dọn về. Song song xa lộ là những trụ
thép rải dài từ chân cầu Sài Gòn về tận Suối Tiên, tiến độ dự án metro BếnThành
– Suối Tiên đang đuổi dồn từng ngày. Cả những ngày chủ nhật, đi ngang qua, tôi
cũng thấy từng nhóm công nhân đu mình trên những trụ thép. Tuyến giao thông
hiện đại đang thành hình và sẽ vận hành vào năm 2020, liệu đến lúc ấy mấy ai
nhớ những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi kia và cả những bàn tay tỉa tót, chăm bón cho
những thảm cỏ, khóm hoa đang che chấn công trình dang dở.
Vào những khóa giảng dạy ở trường
Đại học sân khấu – Điện ành TP.HCM, tôi lại chọn đi hướng Nguyễn Duy Trinh, lên
cầu Giồng Ông Tố để thẳng tiến xa lộ Đông Tây, xuyên qua hầm Thủ Thiêm. Đã từng
đi lưu diễn các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; đã sống và học tập mấy năm ở Anh,
Singapore, sử dụng và hưởng thụ các dịch vụ, phương tiện công cộng hiện đại
nhưng luôn là cảm giác “thâm thú”; chỉ khi kéo cửa kiếng xe xuống, đón làn gió
thổi từ sông Thủ Thiêm, ngắm bờ lau dập dềnh dưới chân đường dẫn lên cầu Phú Mỹ
trước khi xuyên vào đường hầm Thủ Thiêm tôi tưởng mình đang rẽ nước sông Sài
Gòn, mát lạnh, dịu nhẹ, như thể “Tôi giơ tay ôm nước vào lòng / Sông mở nước ôm
tôi vào dạ …” (Tế Hanh), mới có cảm giác sung sướng và một chút… tự hào không
hề nhẹ!
Có lẽ, vì một phần Sài Gòn đang phát
triển và mở rộng theo chiều lên cao – xuống thấp như thế nên mảnh đất này ngày
mỗi ngày cứ len vào cái chiều sâu thâm thẩm trong tôi. Ai đó cứ quay quất cho
những hàng cây bị đốn hạ, tôi lại thấy thương mà không hẳn tiếc. Thương một đời
cây tỏa bóng mát cho bao dòng người xuôi ngược. Đời cây cũng có tuổi, già nua
rồi, chạm tới sinh tử rồi, cây này nằm xuống để mầm cây khác vươn lên, sao cho
thích ứng với địa hình, thổ nhưỡng, kiến trúc, con người thời kế tiếp. Hoặc như
đi ngang con đường nhấp nhô “lượn sóng” bên Thủ Thiêm tôi chỉ nghĩ, từ một vùng
đất Thủy Chân Lạp, mấy năm trước thôi ngang qua đây còn bãi hoang, lau sậy, nay
đường xá thênh thang, lỡ như đường và đất chưa kết dính nhau, nêm chặt nhau, nó
còn cần thêm một độ dài thời gian “chờ lún” thì cũng khả dĩ. Đất non, đường
trẻ, đôi chỗ gập ghềnh, lồi lõm cũng là lẽ đương nhiên …
Đã từng đi hát trong thời loạn lạc,
xe đoàn đi sau, xe.. rà bom mìn đi trước, hát ngay giữa nội thành mà biết đâu
chừng bom rơi đạn lạc, có thể … sập màn như chơi, bạn sẽ thấy quý giá biết
nhường nào không gian thanh bình, yên ả này.
Một trong những thú vui mà tôi không
sao bỏ được là sau mỗi đêm lưu diễn ở tỉnh, tôi lại quày quả trở về nhà ngay
trong đêm. Tôi thích được ngắm nhìn những con đường đang ngủ yên. Ngày trước,
đó là điều không tưởng.
Nhớ lại chuyến công diễn bảy nước
Châu Âu năm 1984, chuyện tôi và NSND Ngọc Giàu cùng anh chị em nghệ sĩ trở về
sau “chuyến xe bão táp”, ở khoảnh khắc quyết định, trong tôi chỉ kịp nghĩ tới
con đường về nhà và cậu con trai bé bỏng.
Không có một ngã rẽ nào với một nghệ
sĩ dân tộc ngoài cung đường Tổ Quốc.
NSND-TS Bạch Tuyết
Báo Phụ Nữ Xuân
2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét