Trước những ngày tháng Tư năm 1975,
nhiều chính biến bất ổn, đoàn hát, rạp hát dạt về, im ỉm, nghệ sĩ chúng tôi hầu
như đã vô hình chung cất hết “rôn” tuồng. Tôi, giữa những ngổn ngang, lại sống
trong cảm giác hồi hộp, rộn ràng vì đang sắp được làm mẹ. Bao khát khao, tìm
kiếm đều vô vọng, nay bất ngờ hé mầm ngay giữa thời điểm bề bộn, dù thế, tôi
chẳng mảy may. Tôi chờ đợi cái thời khắc có ý nghĩa nhất trong đời mình, trong
sự tồn tại cao cả không phải chỉ cho mình.
Và ngày 30/4/1975 đã đến.
Và hai “mẹ con tôi” cũng đã ngồi ở
phòng chờ của phi trường Tân Sơn Nhất để “ra đi” theo đường ngoại giao (khi ấy
nhà tôi là công dân Pháp). Chỉ một suy nghĩ lóe lên, mình sinh ra là để…hát cải
lương, khán giả của mình là ở đây, sự sống của mình cũng là đây, có một đời
sống, một xã hội rất thật, sắp tới đây mà mình chưa hiểu hết, chưa biết hết…Và
hai mẹ con tôi lẳng lặng quay lại ngôi nhà Điện Biên Phủ.
Mấy tháng sau, tôi đón chào chàng
trai nhỏ của tôi với niềm hạnh phúc lớn.
***
Có những thời khắc, có những câu
chuyện mà khi ta chứng kiến, ta trải nghiệm, bỗng dưng ta… “lớn lên”, trong suy
nghĩ, trong hình hài, trong từng quyết định lựa chọn. Tôi nhớ như in cái giọng
nói trầm ấm, hiền từ mà rắn rỏi, của một ngay sau thời điểm thành phố vừa giải
phóng .. “…chị và các chị Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Kim Cương.. cứ yên tâm, cách mạng
sẽ bảo vệ các chị, sẽ cần đến các chị…”
Mãi cho đến năm 1979, sau sự ra đi
oanh liệt của NSUT Thanh Nga, trong không khí bừng bừng của những ngày tháng
ấy, khi “ông già” Sáu Thảo (tức ông Dương Đình Thảo, nguyên trưởng ban tuyên
huấn, nguyên giám đốc Sở Văn hóa – thông tin) cùng ông tác giả Lê Duy Hạnh ngỏ
lời yêu cầu tôi trở lại sân khấu, tôi mới hiểu rằng, mình đã được “bảo vệ” như
thế nào; và tôi cần được hát cho Tổ quốc tôi, cho đồng bào của tôi như thế nào.
Giữa thành phố trẻ, giữa cái vùng
đất mới vừa im tiếng súng, giữa những hàn gắn riêng chung, mất còn, tôi – khoát
lên mình chiếc áo của bà thái hậu, dõng dạc lời hiệu triệu đang khắc khoải từ
trái tim vị quốc “Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông/ Chảy trong óc trong tim
trong trang sử tiên rồng/ …Đất nước hỏi ai xứng làm gạch nối/ Để gắn liền hãnh
diện giữa xưa – sau/ Để cho ta trang trọng khoát long bào/ Ngôi cửu ngũ từ nay
đà có chủ…” (Thái hậu Dương Vân Nga – Hoa Phượng). Đó là khoảnh khắc thiêng
liêng và vinh quang của người nghệ sĩ. Không gì hơn. Không thể khác.
Vì thế, Sài Gòn – TP HCM, không chỉ
là không gian sống của tôi, nó còn là thời gian, là thời khắc quyết định cuộc
đời tôi.
Sài Gòn là thầy tôi, NSND Phùng Há,
NSND Năm Châu, Thầy dạy tôi nhân cách làm nghề, làm người.
Sài Gòn là người – anh – lớn của
nghệ sĩ chúng tôi, ông Sáu Thảo, ông nói lớn, bảo nhỏ, thảy anh chị em nghệ sĩ
đều nghe theo, tin theo bởi đó là lời nói, là hành động từ trái tim chân thành,
từ sự thấu cảm sâu sắc, từ thái độ ứng xử và sự hiểu biết, văn minh của một
người cộng sản.
Sài Gòn là những con người hào hiệp,
nhân hậu, văn minh, chân tình. Người Sài Gòn làm từ thiện quanh năm, đâu đâu
bão lũ, mưa đá, nạn tai, người người góp nhặt. Người giàu góp kiểu giàu, người
nghèo có cách giúp theo kiểu nghèo. Rồi mỗi khi Tết về, cả thành phố lại tất
bật lo cho người nghèo ở Sài Gòn, ở các nơi ….
Từ Sài Gòn – TP HCM, chúng tôi tỏa
đi khắp nơi, mang theo lời ca tiếng hát, cùng khán giả mọi miền khóc cười theo
từng vai diễn. Để sau mỗi chuyến lưu diễn, máy bay còn lơ lửng trên không nhưng
cảm giác thành phố ngay dưới chân mình, sao gần gũi, sao ngọt ngào và ấm áp, dễ
chịu.
Sực nhớ, hình như chưa một lần mình
thốt lên hai chữ “cảm ơn” dù lòng biết ơn lúc nào cũng đầy đặn trong trái tim
….dành cho Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, cho đất nước.
NSND Bạch Tuyết
BÁO SGGP (Đặc san
kỷ niệm ngày 30/4/2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét