THẾ THÔI...



Một đêm trong hàng ngàn đêm trình diễn vở Đời cô Lựu, đã đến giờ mở cửa, tôi tò mò hé bức màn, những vị khán giả cầm tấm vé hạng A thong thả bước vào, họ tiến về dãy ghế đầu tiên. Thoáng chốc, sau gần ba giờ đồng hồ, vãn tuồng, màn khép, tôi lại nhìn thấy những con người ban nãy tiến vào rạp hát đầu tiên, nay thành người rời đi sau cùng. Khán phòng thênh thang dưới kia, ai cũng cố chen chân để vào thì nay lại xô đẩy nhau để bước ra. 



Năm mươi năm trước, lần đầu tiên tôi theo đoàn hát về Kiên Giang, sáng thức dậy, tôi cuốc bộ xuống đường, đứng từ bên này nhìn sang rạp hát, lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình mình được phóng lớn, giăng lộng lẫy trước rạp. Choáng ngợp. Vui sướng. Nhưng lập tức, tôi nghĩ, người ta treo mình lên được thì cũng sẽ có lúc người ta dễ dàng tháo xuống. Cảm giác ấy có trong tôi từ ngày 16 tuổi và mãi cho đến nay…

Tôi nhìn nhận sự vinh – nhục, được – mất, thắng – thua…trong “ phép biện chứng “ chứ không chua chát, ngậm ngùi vin vào cái gọi là thế thái ở đời. Dĩ nhiên, thói đời vốn dĩ dễ hiến bạn đau đớn. Tôi cũng đã trải. Và tôi không chấp. Ngày hôm trước, người ta nói xấu mình ầm ầm. Ngày hôm sau, người ta lại nói tốt rần rần cho mình. Cả hai “ trạng thái “ ấy, với tôi, chỉ duy nhất một cách ứng xử, không vượt qua hau chữ “ Thế à ?” – bập bẹ theo thiền ấy mà ! 

Thế thôi …

Nói đâu xa, hôm 30/1, ngay tại lễ phong tặng danh hiệu, cần trên tay tấm bảng hiệu Nghệ sĩ Nhân dân còn nóng hồi hổi, cảm động, bước xuống, đang đi, có tiếng gọi. cứ nghĩ là nhận lời chúc mừng. Hỏng dè có người tiến lại, mặt mày …hình sự, nặng nhẹ rằng em nghe người ta nói chị thế này thế nọ, em buồn chị lắm…vân vân và vân vân. 

Cuộc sống cứ cuồn cuộn những vui, buồn, hy vọng , đổ vở, tức giận, yêu thương. Một khi trực nhận chình xác những động từ – cảm giác ấy ngay trong chính mình, như hơi thở vô – ra, như lục phủ ngũ tạng trong cơ thể mình thì bạn sẽ không chối bỏ, không lẩn trốn, không tìm cách đè nén, không giả vờ hay đánh tráo những cảm giác ấy. Cái sân si thói thường được dọn dẹp dần, ấy là khi tôi đủ sự trung thực và chân thành với chính mình, tôi gọi tên chính xác cái cảm giác tôi đang vui, đang buồn, đang giận, đang đổ vỡ. Sự từ bi của nhà Phật đi liền với tinh thần Trí – Dũng, nghĩa là đủ sự sáng suốt, tỉnh táo và dũng cảm để nhận diện, để đối diện, để hành động một cách đúng đắn, chính nghĩa.

Thế thôi… 

Thuở tôi còn ơ khu nhà Duy Tân, mỗi ngày tôi công phu thiền vào lúc 4 giờ sáng. Mọi người phải thức dậy đúng giờ để hành thiền. Có hẳn một nhà thiền riêng biệt trên lầu. Trang phục thiền. Ngay cả xoang nồi cũng được dành để nấu ăn riêng, không để cả thịt cá vào. Tôi làm khó cả nhà mà tôi cứ tưởng thế mới là tinh tấn.
Bây giờ trên miếng đất 600m², tôi cất đủ ngôi nhà vừa vặn cho sinh hoạt của mình và người thân. Tôi quyết định không cất lầu bởi khi có tuổi, sự di chuyển càng dễ, thấp và an toàn càng bớt làm phiền người khác. Còn lại, không gian cho cây cỏ, hoa lá, cho chim chóc sà xuống ăn gạo…và cho mình. Cho mọi người. Trong cái tự nhiên của đất trời ấy, tôi đêm được mỏi bước chân đi bộ vào mỗi sáng, tôi tung tăng tắm tưới cho hoa, cho cỏ mỗi chiều, tôi thưởng thức cuộc sống trong từng thời khắc nắng mưa, để mỗi ngày nhận rõ mình là ai, đang làm gì, vì sao làm… Tôi không gọi đây là thiền. Tôi chỉ đang sống. 

Thế thôi…

Năm 2012 là một năm đầy sự kiện với tôi. Ba tôi, ở tuổi 96, ông quyết định bán ngôi nhà mặt tiền ở quận 5 mà ông gầy dựng từ bảy mươi năm trước. Ông chia đều tài sản cho các con. Còn lại, ông mua đất ở ngoại thành, cất nhà cùng má sau và một vài đứa em tôi sinh sống. Ngày mừng tân gia, tôi tặng ông tấm bảng hiệu Nghệ sị Nhân dân và bức hình thằng cháu cố đầu lòng – nghĩa là tôi chính thức lên chức bà nội. Ông cười mãn nguyện. 

Má sau của tôi, tức dì Năm, tấm tắc, ngời ngời. Lần đầu tiên tôi thấy bà đẹp và thanh thản lạ lùng khi ngồi cạnh ba tôi. Tôi tự quán chính mình : Nỗi oán trách của đứa con chồng trong suốt sáu mươi năm trời, tôi đã quăng bỏ. Tôi đã sống gấp đôi tuổi đời của má tôi, đủ để hiểu những đa đoan đàn bà, yêu thương còn chưa đủ, lấy gì mà gút mắt, oán than…

Tôi ôm bà. Cười. Bà bảo, dì có làm hủ chà bông chay cho con, chút mang về , ngon, mai mốt dì làm tiếp…

Khi bạn yêu thương và được yêu thương, ấy là bạn đang sống. 

Thế thôi…

NSND Bạch Tuyết – Báo Phụ Nữ Xuân

Không có nhận xét nào: